Tuesday, March 3, 2009

Ngày Tàn Của Cuộc Chiến


Tướng Nguyễn Khoa Nam

Những tràng đại liên chính xác là 4 chiếc trực thăng võ trang thuộc Sư Đoàn 4 Không Quân đổ lên đầu toán tiền thám thuộc Trung Đoàn Cộng Sản D1 miền Tây Nam Bộ đang vượt kinh Thác Lác với ý đồ mở đường cho Trung Đoàn này xâm nhập vòng đai bao quanh thị trấn Cần Thơ và phi trường Trà Nóc. Tiếng gào thét ran trời. Từng xác người tung lên...đêm dần dần phủ kín lớp sông dài.

Đội hình hàng dọc các đơn vị thuộc Trung Đoàn D1 được lệnh phân tán tại chỗ, chờ động tĩnh. Những bóng đen... chiếc nón tre bọc lưới, ẩn hiện nhấp nhô như những bóng ma sau đám cây, những bụi chân bầu. Dưới sông, đám...vẫn lững lờ vô tình trôi, cuốn theo vài xác chết.

Thời gian trôi qua khoảng chừng tàn một nén nhang, thủ trưởng Trung Đoàn cho lệnh toàn bộ vượt sông với hàng trăm ghe xuồng lớn nhỏ đã được bố trí từ buổi sáng. Tiếng đạp của mái chèo khua nước dồn dập như cố thúc đẩy những con thuyền gia tăng tốc độ chóng qua bờ. Tiếng người xì xào nho nhỏ pha trộn hai giọng Bắc và Nam tạo nên những âm thanh kỳ lạ, bí ẩn. Cuộc vượt sông tưởng như diễn tiến tốt đẹp.

Đột nhiên, những "coup depart" khai pháo từ phi trường Bình Thủy, từ Tiểu Đoàn 21 BB ở Vị Thanh, từ các pháo đội địa phương...như xé bầu không khí nổ tới tấp theo tuyến vượt sông dọc theo hai bờ kinh...trên đầu các đơn vị...hậu tập.

Tiếng người xô đẩy chạy ngược xuôi khi hàng ngũ rối loạn. Cuộc tiến quân bất thành vì bị bại lộ. Trung Đoàn D1 bị cắt làm hai, phải phân tán vào các thôn xóm lân cận hai bên bờ sông. Yên lặng lại trả về trong màn đêm cho miền Tây hiền hòa. Bấy giờ là vào khoảng thượng tuần tháng Tư năm 1975.

Tôi ngồi trước bản đồ Quân Khu IV. Màu đỏ chỉ những vị trí của Việt Cộng, tạo thành một vòng đai bao quanh các thị trấn Quân Khu IV. Đúng theo nghị quyết số 14 của Trung Ương Cục miền Nam. Cộng sản bỏ nông thôn tiến về thành thị theo kế hoạch thanh toán miền Nam theo chỉ thị của Trung Uơng Đảng Cộng Sản. Màu xanh trên bản đồ chỉ những vị trí của các đơn vị bạn được tái phối trí chặt chẽ hơn. Sư Đoàn 21 phụ trách việc bảo vệ vòng đai Alpha, từ phi trường Bình Thủy tiếp nối lên trục lộ Cần Thơ - Chương Thiện. Sư Đoàn 9 trải quân trấn giữ con lộ huyết mạch của Quân Đoàn 4 từ phía Mỹ Thuận đến ngã ba Trung Lương. Sư Đoàn 6 BB đơn vị lừng danh của QLVNCH đã từng xóa sổ Sư Đoàn 5 và 9 của Cộng Sản giữ ải địa đầu của Quân Khu 4, đoạn vòng cung từ chợ Thầy Yên, Bến Tranh đến ranh tỉnh Long An.

Trong thời gian này, tại Cần Thơ, Bộ Tư Lệnh QĐ4 và QK4 đã đặt nỗ lực vào việc xây cất nhiều địa ốc thật kiên cố, chuẩn bị cho Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Lực và các đơn vị bạn, khi cần có thể rút về giữ tuyến cuối cùng bảo vệ đất nước.

Tình hình chung lúc ấy là, sau cuộc rút lui của Quân Khu 2, kế tiếp là Quân Khu 1, vòng đai của Quân Khu 3 bảo vệ Thủ Đô Sài Gòn dần dần bị thu hẹp. Vì những rối loạn chính trị đương thời tại Thủ Đô, vì Quân Khu 3 thiếu yếu tố địa thế hiểm trở, chắc chắn việc tử thủ tại Thủ Đô sẽ gây ra nhiều tổn thất cho quân lực và dân chúng. Tôi liên tưởng tới sự thành công của cuộc phòng thủ tại Quân Khu 4, mảnh đất cuối cùng của đất nước.

Với vị trí thiên nhiên của sông Tiền Giang cắt ngang miền Nam, với địa thế sình lầy của vùng Đồng Thap, có thể làm giảm thiểu tốc độ chuyển quân của địch, sư di chuyển của chiến xa và trọng pháo sẽ bị trở ngại. Với sự tồn tại của toàn bộ các thị trấn, chưa nơi nào lọt vào tay địch và các căn cứ Không Quân và Hải Quân vẫn còn nguyên vẹn dùng làm căn cứ cho các lực lượng liên hệ từ các quân khu khác rút về. Vài ba sư đoàn bộ binh, cộng thêm gần nửa triệu Địa Phương và Nghĩa Quân, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chống cự một thời gian chờ cơn sốt chính trị gây rối loạn và hoang mang trong hàng ngũ qua đi, chúng ta sẽ tìm thế phản công trong tương lai, chiếm lại phần đất nước đã bị mất. Tôi nghĩ đến gương của nước người, nước Trung Hoa vĩ đại của Tưởng Giới Thạch và hàng triệu binh sĩ, đã không đánh mà tan, phải bỏ chạy trước đạo quân của Mao Trạch Đông. Đến khi tàn quân chạy ra Đài Loan, một mảnh đất nhỏ bé, họ Tưởng đã tổ chức lại hàng ngũ, đẩy lui bao nhiêu cuộc tiến công của Cộng Sản, rồi tổ chức được một xã hội bền vững đến bây giờ.

Tôi nghĩ lại nước Việt Nam thân yêu rồi sẽ đi về đâu. Tưởng Giới Thạch còn có Đài Loan, mình thì có gì? Phú Quốc? Hòn Đảo này quá nhỏ và quá gần đất liền không bảo toàn được. Tôi nghĩ đến giải đất vùng biên giới Việt Miên, bao gồm các khu vực có giáo dân Hòa Hảo sinh sống, có dẫy Thất Sơn, có căn cứ an toàn, có ba, bốn ngàn hang động hiểm trở, thành những phòng tuyến kiên cố chống giữ các cuộc tiến công từ biên giới sang thì việc phòng thủ Quân Khu 4 sẽ lâu bền hơn. Tôi mang ý kiến ra bàn với vị Tư Lệnh Quân Đoàn, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam thì được sự tán thành của ông ngay. Nhưng rủi thay, việc hợp tác với giáo dân Hòa Hảo gặp trở ngại ngay từ bước đầu vì trước đó Thiếu Tướng Nam đã có lần nhận chỉ thị của Tổng Thống Thiệu để giải giới lực lượng Hòa Hảo Huỳnh Trung Hiếu và bắt giữ ông Hai Tập nên đã gây ra sự nghi kỵ và hiềm thù trong lòng những người bạn Hòa Hảo.

Khoảng trung tuần tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Nam cùng tôi qua Mỹ Tho họp với các Tư Lệnh Sư Đoàn và các Tỉnh Trưởng miền Hậu Giang để thảo luận về kế hoạch ngăn chận hoạt động của Cộng Sản gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh Quân Khu 4. Tướng Ngô Quang Trưởng từ Bộ Tổng Tham Mưu xuống tham dự buổi họp, tôi có trình bày tường tận về nghị quyết "Tổng Tấn Công", "Tổng Khởi Nghĩa" để đi đến dứt điểm chiến trường của Cộng Sản. Một số sĩ quan tham dự buổi họp tỏ vẻ hoài nghi về khả năng của Cộng Sản để thực hiện nghị quyết ấy ở miền Tây. Vào cuối tháng 4, tại các vùng khác quân ta phải triệt thoái liên miên, riêng vùng 4 cho đến ngày cuối cùng vẫn giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc phòng thủ Bộ Chỉ Huy cuối cùng của quân đội vẫn được ráo riết thực hiện. Các đà sắt làm cầu được xuất kho để hoàn thành những nhà hầm kiên cố, có thiết trí hệ thống truyền tin, chuẩn bị đón tiếp Bộ Tổng Tham Mưu nếu Sài Gòn thất thủ.

Chiều 26 tháng 4, Thiếu Tướng Nam cho lệnh họp các sĩ quan của Bộ Tham Mưu và các đơn vị trưởng thuộc Quân Đoàn 4 tại Trung Tâm Hành Quân. Họp xong, ông yêu cầu tôi lấy cuốn phim "Chiến Thắng Hạ Lào: liên quan đến cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội ta. Tôi còn nhớ khi phim chiếu cảnh bọn Việt Cộng dẫn giải những chiến sĩ QLVNCH bị chúng bắt, những khuôn mặt quen thuộc hiện ra trên màn ảnh làm rung động sự cảm xúc của mọi người. Đại Tá Nguyễn Văn Thọ Lữ Đoàn Trưởng 3 Nhảy Dù, anh bị thương phải chống gậy. Anh vẫn mặc bộ quân phục Dù, ốm hẳn đi nhưng khuôn mặt vẫn còn nét rắn rỏi. Theo sát anh là một tên Việt Cộng bé con, nắm khẩu AK như chực nhả đạn, hình ảnh này làm máu tôi sôi lên trong huyết quản. Tôi liếc qua Thiếu Tướng Nam ngồi bên cạnh, ông cũng nhìn lại tôi với cặp mắt buồn. Tôi biết rằng ông còn xúc động hơn tôi vì ông nguyên là Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3 Dù trước khi nhận lãnh chức Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Ông khẽ bảo tôi: "Nếu đời mình như thế là hết!"

Ngày hôm sau để nhận định thêm tình hình, tôi qua thăm Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 12 thuộc Sư Đoàn 7, đóng tại Tân Lý Tây, quận Bến Tranh. Tôi gặp Đại Tá Đặng Phương Thanh, Trung Đoàn Trưởng, cho biết tình hình trận chiến. Anh nhận định trung đoàn của anh đủ khả năng đối đầu với Sư Đoàn Công Trường 5 Cộng Sản đang dàn quân trước trận tuyến của anh. Anh đưa tôi đi xem chiến địa, nơi vừa xảy ra giao tranh ngày hôm qua. Xác địch còn nằm ngổn ngang bên các bờ bụi. Nhìn anh Thanh với dáng đi lầm lũi, chắc nịch, tôi cảm thấy anh là sĩ quan chưa và sẽ không hề lùi bước trước địch. Tốt nghiệp khóa 16 Võ Vị Đà Lạt, suốt thời gian trong quân ngũ, anh luôn có mặt tại đơn vị chiến đấu và mới được thăng cấp Đại Tá vào hôm trước. Sau này, tôi được biết anh đã lựa chọn thà tự sát còn hơn đầu hàng địch.

Thời gian lặng lẽ trôi, bi thảm dần dần tới. Lúc đó vào khoảng 28 tháng Tư, 1975, tiếng nói của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu vang lên từ Đài Phát Thanh Sài Gòn yêu cầu toàn bộ Tòa Đại Sư Hoa Kỳ và cơ quan DAO rút ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Lời yêu cầu trên được lập lại nhiều lần như xoáy vào tim óc, như nổ trong lồng ngực. Thế là hết! Họ đã âm mưu bỏ chúng ta thực sự rồi. Thành tích bao nhiêu năm chiến đấu đã tan thành mây khói. Đêm đó và sáng hôm sau, quang cảnh thị xã Cần Thơ nhộn nhịp hẳn. Các loại xe ba bánh chở đồ từ các cơ sở Mỹ chạy ngược xuôi. Những trực thăng Air America không ngừng lên xuống, các tàu nhỏ nhưng nhiều mã lực của Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ rời bến trực chỉ hướng Đại Ngãi, đem theo toàn bộ người Hoa Kỳ và nhiều người Việt làm việc với họ.

Cảm nghĩ của tôi lúc đó là tôi không nuối tiếc sự ra đi của người Mỹ, vì dù họ có ở lại cũng không đóng góp được gì cho công cuộc chống cộng của chúng ta. Nhưng sự ra đi của họ, trong bối cảnh bấy giờ đã trở thành một đòn cân não trí mạng, đánh mạnh vào tâm trạng hoang mang của toàn thể nhân dân Việt Nam và làm suy yếu hẳn sự kháng cự Cộng Sản của QLVNCH.

Chiều hôm đó, khi đi qua sân Bộ Tư Lệnh tôi về phòng làm việc, tôi có gặp Chuẩn Tướng Tham Mưu Trưởng Quân Khu 4. Đây là lần cuối cùng tôi gặp ông vì nửa đêm hôm đó, tôi bắt được nghị quyết số 14 của Cộng Sản đề cập đến việc chuẩn bị tiếp thu các thành phố, đến kế hoạch thâm độc nhằm tiêu diệt những quân nhân và cán bộ quốc gia khi chúng nắm được quyền hành.

Sáng sớm ngày 30 tháng Tư, không khí Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 có vẻ khẩn trương vì sự ra đi của Chuẩn Tướng TMT và một số sĩ quan trong đêm trước. Tiếp theo đó, qua đài phát thanh Sài Gòn, Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh toàn bộ QLVNCH buông súng đầu hàng địch và chuẩn bị bàn giao căn cứ cho chúng. Mọi người đều rung động, không khí căng thẳng đến cực độ, có người còn hy vọng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống để sửa soạn một giải pháp trung lập, hòa giải chứ đâu có ngờ ông ta lên làm Tổng Thống để đầu hàng địch.

Đại Tá Nguyễn Đình Vinh được chỉ định thay thế Chuẩn Tướng TMT để triệu tập tất cả sĩ quan có mặt tại Bộ Tư Lệnh và các đơn vị trực thuộc và vị Tỉnh Trưởng Cần Thơ tại Trung Tâm Hành Quân để Thiếu Tướng Nam nói chuyện.

10g30 sáng, Thiếu Tướng bước vào hội trường, mọi người chỉnh đứng lên chào. Ông từ từ tiến lên bục cao, xoay mình đối diện với các sĩ quan trực thuộc, khuôn mặt vẫn đầy cương nghị nhưng ánh mắt thật buồn.

"Các sĩ quan thân mến", ông nói. "Như anh em đều biết, đất nước chúng ta đang rẽ vào khúc quanh quan trọng nhất của lịch sử. Chúng ta là quân nhân thì phải tuyệt đối tuân lệnh chánh phủ. Vậy tôi để các anh lát nữa trở về đơn vị, tùy tiện sắp xếp công việc để bàn giao cho họ. Về phần tôi, mặc dù có sẵn trực thăng, tôi sẽ không đi đâu hết." Nói xong, ông rời phòng hội để về văn phòng ông. Tôi đẩy cửa bước theo để được nói chuyện với ông lần cuối. "Ông Tướng ơi, ông đành chịu vậy sao?" tôi vẫn xưng hô kiểu đó khi chuyện vãn chỉ có ông và tôi . Ông cười buồn: "Biết làm sao được bây giờ hả anh." Rồi ông im lặng hút thuốc, thở khói nhè nhẹ, vẻ mặt đăm chiêu. Trước mặt ông là cái gạt tàn thuốc lá khổng lồ đầy ắp, chắc đêm qua ông đã thức trắng đêm. Trong thâm tâm, tôi muốn đề nghị với ông tìm cách thoát hiểm nhưng tôi không mở lời được vì biết ông sẽ từ chối. Một lúc sau, tôi đứng thẳng người, kính cẩn chào cấp chỉ huy lần cuối cùng rồi quay trở về phòng. Bấy giờ tôi còn nhớ rõ, Trung Úy Danh, sĩ quan tùy viên của Thiếu Tướng Nam chạy theo, gọi tôi nhờ chỉ dẫn cách sử dụng khẩu súng lục màu xanh biếc mà Thiếu Tướng vừa cho anh vào buổi sáng. Tôi không hiểu ông đã cho sĩ quan tùy viên khẩu súng xinh xắn để làm gì?

Tôi âm thầm đếm bước chân trên lối đi dẫn về phòng tôi ở. Tôi liên tưởng ngày mai đây, cũng trên những bục đi này, bàn chân kẻ thù cũng sẽ bước chồng lên dấu chân tôi. Cuộc chiến này đã kéo dài trong bao năm trường, không ngờ lại tàn nhanh đến thế. Lòng tôi đầy bi phẫn. Mặc dù tôi không có cách gì để kháng cự địch nữa, nhưng tôi không cam lòng đầu hàng chúng. Suy nghĩ mãi, tôi thấy mình phải tìm cách thoát hiểm, dù bỏ mạng trên đường thoát hiểm cũng đành. Ý nghĩ này làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi nhảy lên xe jeep lái ngang qua Tiểu Khu Cần Thơ gặp Đại Tá Huỳnh Ngọc Diệp, một sĩ quan trừ bị bạn đồng khóa với Thiếu Tướng Nam, để tìm phương tiện thoát hiểm. Tôi trình bày với anh về nghị quyết 15 của Cộng Sản và những tủi nhục mà chúng sẽ dành cho mình khi chúng chiếm được phần đất này. Tôi đề nghị anh cùng tìm cách thoát hiểm. Ban đầu anh từ chối lời đề nghị, nhất quyết tử thủ. Nhưng sau tôi thành công trong sự thuyết phục anh và chúng tôi tìm phương tiện di chuyển.

Chúng tôi rời bến Cần thơ vào chiều ngày 30 tháng 4, 1975 trên một con đò máy chật hẹp, hướng ra cửa biển. Cuộc hành trình đầy cam go, tổn thất đã đánh dấu sự chấm dứt binh nghiệp của chúng tôi, trong sự tủi nhục, ê chề. Trên đường vượt thoát, được tin Thiếu Tướng Nam, Chuẩn Tướng Hưng và một số bạn hữu đã tự sát hoặc bị cầm tù, tôi đã nhắm nghiền cặp mắt để nén lệ trào ra, lòng ngậm ngùi nhớ đến những khuôn mặt thân yêu đó mà trọn đời tôi sẽ không bao giờ quên...

No comments:

Post a Comment