Vượt Biên
Tôi có mặt tại điểm hẹn (Trạm xe buýt gần rạp hát Opera) vào lúc 8:45 sáng mà theo lời dặn là khi thấy chiếc xe buýt nào mang số 225 434 ngừng gần đó thì bước lên ngay. Tôi chờ hoài mà lòng thấp thỏm lo sợ công an có thể đang phục kích gần đâu đó. Giả vờ là người khách bộ hành mệt mỏi ngồi nghỉ chân gần vệ đường đang xem báo mà thực sự trong tôi cầu mong chiếc xe buýt đến đúng giờ hẹn là 9:00. Và 9 giờ đã đến rồi mà xe thì vẫn chưa thấy. Ô kìa chiếc xe buýt đã đến, tôi vơ vội túi hành lý nhỏ định chạy đến nhưng hàng số xe bên hông cho tôi biết đây không phải là chiếc xe đón người. Vài người trên xe buýt bước xuống và xe chạy đi. Tôi nhìn đồng hồ đã 9:10 phút rồi 9:20 , 9:30 vẫn chưa thấy xe đến. Tôi lo lắng nhìn phía bên kia đường thì bắt được vài tia mắt nhìn vội về tôi rồi quay đi. Đó là những người ngồi gần gốc cây, bên vệ đường và người nào cũng có 1 cái túi xách nhỏ y như tôi vậy. Tự nhiên tôi cảm thấy bất an vô cùng vì biết những người đó cũng đang chờ chiếc xe buýt đặc biệt như tôi vậy và họ cũng là bạn đồng hành với tôi qua thái độ và hành lý mang theo bên mình. 9:45 phút rồi mà xe buýt vẫn chưa đến! Tôi, bây giờ phải quyết định sao đây? Nhớ lời dặn của chị Thu thì đến điểm hẹn nếu xe đến trễ 30 phút thì bỏ về ngay vì chuyến đi coi như bị trục trặc, nấn ná ở lại coi chừng bị công an tó thì ráng chịu. Tôi chợt ngó sang bên kia đường nơi các bạn đồng hành của tôi đang ngồi thì trời ơi họ đã biến đâu mất hết rồi và bây giờ chỉ còn có mình tôi thôi. Phải dọt về thôi. Tôi đứng lên và định bụng rảo bước thì một tiếng xe thắng gấp gần bên và trời ạ đó là chiếc xe buýt mang biển số 225 434 đang mong. Tôi hấp tấp bước lên xe và họ chỉ có đón duy nhất một mình tôi. Người lơ xe ngó quanh quất chung quanh miệng nói lớn : Có ai đi nữa không thì lên xe và anh ta cũng nói ngay theo đó: Tới luôn, hết khách rồi bác tài. Tôi vội vàng ngồi ngay vào 1 chỗ gần bên cửa sổ và theo thói quen tôi nhìn ra bên ngoài thì chợt thấy bên kia đường 2 người khách trong số ngồi chờ xe như tôi lúc ban nãy, bây giờ ở đâu chạy ra và họ ra dấu để đón xe ngừng lại nhưng chiếc xe vẫn chạy thẳng. Xe lần lượt ghé từng điểm hẹn để nhận khách và cứ thế xe chạy lần ra ngoại ô hướng về Thủ Đức và sau cùng trực chỉ Vũng Tàu. Xe đến thành phố biển Vũng Tàu vào giấc chiều và ngừng ở 1 khu đậu xe gần con đường mang tên là Ba Cu và tất cả mọi người trên xe được dặn nhỏ là tạm thời tản ra giả dạng khách du lịch đi lòng vòng đâu đó thì đi nhưng phải có mặt lên xe lúc 7:30 chiều. Tôi nhập vào dòng các người đi trên phố. Vũng Tàu có khá đông khách ngoại quốc từ các nước CS Đông Âu hoặc Liên xô khi đó. Họ là nhân viên trong các công ty khoan dầu hoặc các công trình khác tại miền Nam và đổ về thành phố này để tắm biển, nghỉ ngơi. Tôi đi lòng vòng mãi rồi cũng chán và quay trở về chiếc xe buýt lúc 7:10 tối và ngồi 1 khoảng cách không xa lắm để phòng các bất trắc và khi mọi người lục đục kéo nhau lên xe buýt thì tôi biết là xe đã nhận thêm khách ngay tại thành phố này cho chuyến hải hành ngay tối nay. Đúng 7:30 chiều xe buýt khởi hành nhưng xe chỉ chạy lòng vòng trong thành phố Vũng Tàu để chờ cho trời tối hẳn. Xe đã ngừng nhiều chỗ để lúc thì tài xế và các người lơ xe làm bộ coi lại máy móc hoặc xem xét các bánh xe và rồi khi trời tối hẳn thì xe chạy ra hướng bãi Trước và kỳ lạ thay khi xe ngừng tại sát cạnh bờ biển thì đột nhiên toàn bộ điện ngay khu vực bị cúp hẳn. Trong bóng tối những người tổ chức trên xe hối thúc mọi người rời khỏi xe chạy ngay xuống mép bờ nước. Khi tôi chạy đến bờ nước biển thì dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn xoay trên Hải đăng ở đỉnh núi , tôi thấy 1 chiếc ghe khá lớn đã có mặt sát bờ tự lúc nào và mọi người đang lội nước ra gần ghe. Có rất đông dép, guốc của hành khách vất bỏ trên bãi cát và có cả các túi xách nữa. Kinh nghiệm của những lần vượt biên không thành trước đó , tôi không vất bỏ đôi dép như họ mà cẩn thận lấy ra 1 sợi dây thủ sẵn trong túi luồn vào đôi dép này rồi cột nó vào quai (con đỉa) của quần dài đang mặc rồi sau đó bắt đầu bước lội từng bước ra ghe. Tối hôm đó mặt nước biển không hiểu do 1 hiệu ứng gì mà ánh lên những ánh sáng màu xanh lá cây trông rất kỳ lạ, phản chiếu những lọn sóng, thân người khi họ chuyển động chung quanh chiếc ghe này. Tôi đã cố gắng hết sức để bước dần tới được ghe mà mực nước đã tới ngay cổ và khi tới sát bên ghe rồi thì không biết làm sao mà trèo lên ghe được rồi tay tôi chạm phải 1 cạnh gỗ nằm ngang cạnh ghe và nhờ vào cạnh gỗ này mà tôi có thể dựa vào đó để trèo lên và 1 bàn tay trên ghe đã nắm tay tôi kéo hẳn lên ghe rồi trong chớp mắt tôi đã được người nào đó ấn chui lọt xuống ngay 1 khoang của chiếc ghe. Sau đó khoảng 5 phút chiếc ghe chạy lùi ra biển và bắt đầu cho chuyến hải hành vượt biên đầu tiên trong đời tôi. Khi đó là 9 giờ tối của một ngày cuối tháng 7 năm 1984. Chuyến đi thật không suôn sẻ dù không hề gặp tàu tuần của công an cũng như tàu hải tặc Thái Lan vì khi ghe lượn quanh một dàn khoan dầu của Mã Lai Á thì các tài công đã trực chỉ mũi ghe quay trở về Việt Nam sau 4 ngày 5 đêm tới được dàn khoan này. Khi ghe trên đường về Việt Nam được một ngày thì tôi cũng như các người trên ghe mới biết hành động của các tài công này và rồi sau các màn hành khách hăm doạ, năn nỉ, lạy lục...tài công để họ từ bỏ ý định điên rồ mà tiếp tục hành trình vượt biên thì tôi biết mình phải chuẩn bị đối phó với những bất trắc sẽ xảy ra ngay khi chiếc ghe này vừa cập vào bờ bãi nào đó của nước Việt. Tài công (kiêm thợ máy) trên ghe là 3 người. 2 người là anh em ruột và người kia là bạn của họ. Tất cả đều có bồ (bạn tình ) nhưng đều không có mặt trong chiếc ghe này và sau 4 ngày 5 đêm hải hành, thấy những người khách trên ghe mang theo cả vợ , con thì làm họ nhớ đến các người bạn tình và đó chính là lý do khiến họ quyết định quay ghe trở về Việt Nam để tắp vào 1 nơi nào đó quen thuộc để rồi từ đó họ sẽ về địa phương họ, đón bạn tình ra ghe này rồi sẽ khởi hành trở lại. Họ giải thích như vậy và cam đoan là sẽ không gặp khó khăn gì hết miễn là mọi khách trên ghe nằm im trong các khoang chứa trong thời gian họ vắng mặt. Khách trên ghe hết lời giải thích, thuyết phục với họ quay ghe vượt biên tiếp vì việc cập bến trở lại Việt Nam là quá sức nguy hiểm và rồi thì lại năn nỉ, lạy lục cho họ vàng hoặc hăm dọa họ (nhưng khách trên ghe người nào cũng đều quá sức mệt mỏi do chịu những cơn sóng trong các ngày qua nên cũng chẳng ai làm gì được các tài công khoẻ mạnh này). Làm mọi cách...nhưng 3 người tài công này vẫn không đổi ý. Sự suy nghĩ đơn giản của một chàng trai đánh cá ngang với sự hiểu biết của người ít học. Tôi chuẩn bị cho những tai ương sắp sửa ập xuống mà lòng vẫn thầm mong là sẽ có sự may mắn xảy ra như ý muốn của những tài công này. Khi ghe vừa trong thấy dạng đất liền các tài công đã thúc hối mọi người đang ngồi trên sàn ghe phải chui xuống hết các buồng chứa thì có những người do say sóng quá sức nên không chịu chui xuống các khoang chứa viện lý do là sức họ đã quá yếu nếu xuống nằm chật chội trong khoang kín lần nữa thì họ sẽ chết. Các tài công đã dùng vũ lực để xốc những người này xuống khoang chứa. Tôi cũng như các người khác đành phải nằm im trong lo sợ mà miệng luôn cầu nguyện và tiên đoán tình hình bên ngoài qua những lời đối đáp của các tài công. Thời gian trôi qua khá lâu và trong khi ghe đang chạy để họ kiếm nơi ghé vào thì qua miệng họ tôi biết là từ xa xuất hiện 2 chiếc ghe khác. Và rồi có tiếng súng nổ từ xa thì chiếc ghe đột nhiên tăng tốc chạy thật nhanh và không biết cuộc rượt đuổi diễn biến ra sao mà sau cùng 1 tiếng sầm thật lớn khi ghe đâm vào cạnh 1 bờ đất và tiếng nhẩy ùm xuống nước của các tài công cùng tiếng kêu khóc rên la của những khách đi trên ghe. Tôi cùng các người khách khác vội đu người nhẩy lên ngay sàn ghe thì thấy trời đã nhá nhem tối và tự hỏi mình đây là đâu của bờ biển nước Việt và ngay sau đó tôi cũng nhẩy ngay xuống nước để lội vào bờ như các người khách kia. Vừa leo được lên bờ đất thì có tiếng súng nổ gần bên và bóng dáng của 2 chiếc ghe lạ đang lướt sóng chạy đến. Tôi cắm đầu bỏ chạy theo các người khách mà đoán là hướng vừa chạy của các tài công. Trời tối rất nhanh, lại có tiếng súng và tôi vẫn cắm đầu chạy nhưng chỉ một lát sau thì tôi đã bị mất dấu những người chạy phía trước. Chân tôi cảm thấy đau và tôi mới nhớ là mình còn 1 đôi dép bên mình nên vội vã cởi nó ra mang ngay vào chân mình. Đây là 1 đôi dép da có quai đeo sau gót và nhờ có đôi dép này tôi mới có thể bước những bước chân lần mò trong đêm tối (dù vậy vẫn còn thấy hình ảnh xung quanh lờ mờ) cho đến lúc tôi không còn thấy cảnh vật được nữa. Trời đã hoàn toàn tối đen. Tôi ngồi xuống nghỉ ngơi, ngước mắt lên bầu trời đầy sao và tự hỏi bây giờ phải làm gì đây? Nếu không tìm được đường ra khỏi vùng này ngay đêm nay thì chắc chắn sáng ngày mai tôi cũng sẽ bị bắt. Ngồi như vậy chốc lát, cảm thấy bớt mệt, tôi đứng lên ngó chung quanh và thấy thấp thoáng xa xa 1 ánh đèn dầu. Tôi định thần nhìn kỹ đúng là ánh đèn dầu thật nhưng không biết nơi có ánh đèn đó là gì? Tôi nhắm hướng để đi đến đó vậy. Tuy thấy ánh đèn, tưởng nó rất gần nhưng thực sự nó rất xa. Tôi đã phải lần mò bước từng bước chân trong đêm tối (vạch cây lá, lội qua các vũng nước bất chấp gai cào, vấp ngã xuống các hố cạn ...) cả tiếng đồng hồ để mới đến được nơi có ánh đèn, chiếu ra từ 1 căn nhà tranh nhỏ. Một con chó nhẩy xổ ra sủa inh ỏi làm tôi đứng yên không dám động đậy và 1 bóng người từ trong nhà tranh này lách cửa bước ra nhìn. Thấy tôi, bóng người này hét lên 1 tiếng thật to rồi quay ngay trở vào trong nhà. Tôi biết đó là 1 phụ nữ. Tôi nói ngay đừng sợ tôi là người chứ không phải là ma quỷ gì cả. Tôi bị lạc đường từ chiếu tới giờ cần chị giúp đỡ. Tôi nói như vậy vài lần thì người phụ nữ này mở hẳn cửa bước ra nhìn tôi và nói tôi ngồi đó chờ để chị ta đi gọi chồng về. Người phụ nữ này cầm cây đèn dầu bóng trứng vịt biến mất trong đêm tối cùng với con chó để tôi ngồi một mình trước căn nhà nhỏ. Tôi nhìn lại căn nhà nhỏ bé này , Đó là 1 căn nhà lợp mái lá dừa nước như bao căn nhà của nông dân ở vùng sông nước miền Nam với lu nước uống bên cạnh nhà và cửa ra vào chỉ là miếng phên lớn khép hờ. Có lẽ đây là một cặp vợ chồng trẻ ra sống riêng, như vậy thì vùng này chắc còn có những gia đình khác vì chị phụ nữ nói là đi gọi chồng mình về. Tôi chờ khá lâu thì nghe tiếng chó sủa và bóng dáng 2 vợ chồng bước đến bên tôi. Người chồng cầm cây đèn sát cạnh tôi để nhìn rõ mặt tôi rồi anh ta hỏi tôi đi đâu mà có mặt ở đây trong đêm tối như vầy? Tôi biết là anh ta chưa hề biết gì về chiếc ghe vượt biên. Thầm nghĩ trong đầu thật nhanh tôi biết đành phải nói thật rồi sẽ liệu sau. Tôi kể lại chuyến đi và chuyến quay trở về lúc chiều rồi ghe bị rượt đuổi và sau cùng bị mắc cạn và tôi chạy theo người khác rồi lạc đường và nhờ ánh đèn trong nhà mới đến đây. Sau khi nghe tôi kể tóm tắt như vậy thì cả hai vợ chồng nhìn nhau trong chốc lát và rồi người chồng lắc đầu bảo tôi là phải đi ra khỏi khu nhà ở của họ ngay. Đi đâu thì đi họ không muốn liên lụy với người vượt biên và cả hai vợ chồng bước vào nhà kéo ngay tấm phên cửa lại. Lúc đó tôi quá sức mệt mỏi nên cứ ngồi lỳ tại đó và sự thực chẳng biết đi đâu bây giờ? Ngồi một mình trước cửa căn nhà tranh này mặc cho con chó của chủ nhà đi quanh quẩn bên tôi gầm gừ, tôi nằm lăn ra đất, ngủ thiếp đi lúc nào cũng không biết. Chợt một bàn tay lay vai tôi thức dậy, trước mặt tôi bây giờ là 2 vợ chồng người chủ nhà cùng với 1 ông lão. Họ mời tôi vào nhà nói chuyên. Thì ra khi thấy tôi cứ ngồi lỳ và rồi còn nằm ngủ tại chỗ, không biết tính sao hai vợ chồng chủ nhà đã đi gọi cha họ đến. Họ mời tôi vào nhà và ông lão đã nói là đã nghe con trai ông kể về tôi và xin tôi hãy đi nơi khác đi, họ không dám giúp đỡ hay chứa chấp người vượt biên. Ngày mai công an và du kích sẽ đi lùng sục vùng này để bắt những người trốn chạy như tôi. Hãy đi nơi khác đi để cho họ yên ổn làm ăn, nếu giúp tôi rủi công an biết thì chắc chắn họ sẽ bị liên lụy ở tù nữa. Gia đình chúng tôi nghèo lắm, phải tìm đến phá đất lập nghiệp vùng sát biển như vầy là cậu biết rồi. Muốn giúp cậu thì cũng chẳng biết phải giúp như thế nào? Công an có tai mắt khắp nơi sớm muộn gì chúng cũng biết cậu ở đây rồi liên lụy với cậu nhà cửa chúng tôi sẽ tan nát hết. Cậu thương thì đi nơi khác đi coi như chúng tôi và cậu chưa biết nhau, mong cậu thông cảm cho hoàn cảnh chúng tôi. Ông lão nói như vậy. Tôi ngó chung quanh căn phòng. Nơi chúng tôi ngồi là 1 cái bàn gỗ nhỏ gần đó là 1 chiếc tủ thờ cũ. Trên tủ này có 1 cái trang nhỏ ở trên đó là 1 tấm hình Phật bà Quan âm và 1 bát hương với vài chân nhang đỏ. Vách tường có dán vài tấm hình mầu ca sĩ cắt từ các tấm lịch cũ. sát bên vách là 1 cái cái giường tre nhỏ với các vật dụng như cuốc, thuổng, đồ bắt cá nằm lăn lóc...Đây là 1 gia đình người miền Nam hiền lương thờ Phật không có vẻ gì là 1 gia đình cách mạng chế độ mới, tôi nghĩ vậy và tiếp tục năn nỉ, nài xin ông lão và vợ chồng chủ nhà hãy tìm cách nào đó giúp tôi chứ đừng xua đuổi tôi đi trong đêm tối như thế này. Nếu bác và anh chị làm phước giúp tôi thì Phật bà Quan âm sẽ phù hộ cho gia đình vì đây là một việc lành. Tôi vượt biên vì lý lịch gia đình chế độ cũ VNCH vì sống không nổi với chế độ mới này nên mới vượt biên rồi chuyến đi không thành phải quay về và phải trốn chạy công an truy bắt chứ đâu phải là thành phần bất hảo trộm cướp gì. Bác ơi! xin hãy giúp cho con, không bao giờ cha mẹ con và con quên ơn việc bác và anh chị làm hôm nay. Họ vẫn nhất định không giúp và tôi thì cứ năn nỉ và sau cùng cả 3 cha con chủ nhà kéo nhau ra ngoài sân bàn bạc với nhau bỏ tôi ngồi một mình tại chiếc bàn nhỏ trong nhà. Sau cùng cả hai cha con bước vào nhà và dặn tôi là phải làm theo những gì họ dặn. Nếu trái lời để có chuyện gì xẩy ra thì tất cả đều chết với công an. Họ đã lăn từ sau nhà 1 cái lu nước khá lớn và chuyển lu này vào trong căn buồng của đôi vợ chồng chủ nhà. Tôi đã được họ ém ngồi trong chiếc lu này suốt cả ngày hôm sau và 4 ngày kế tiếp dưới lớp lưới , quần áo và các vật dụng lặt vặt trong nhà. Chỉ có buổi tối thì tôi mới được cho ra ngoài để ăn uống, rửa ráy qua loa, đi tiêu tiểu và thư giãn tay chân trong chốc lát rồi lại phải vào ngồi trong chiếc lu. Ban ngày, ngồi trong chiếc lu này tôi đã nghe được các câu chuyện của các người dân và cả du kích công an khu vực đi ngang, ghé vào nhà nói chuyện với nhau về chiếc ghe mắc cạn, về chuyện công an du kích đã bắt được toàn bộ người đi trên ghe đó kể cá các tài công. Tôi ngồi trong lu mà lo sợ không biết số phận mình sẽ ra sao? Cũng nhờ ngồi trốn trong lu này mà tôi mới biết là mình đã quá sức may mắn khi vô tình chạy đến cầu cứu nơi gia đình vợ chồng trẻ này (tên là anh chị Tư), vì qua các câu chuyện họ đối đáp khi nói chuyện, lúc đùa giỡn... với nhau, tôi biết đây là những người dân quê miền Nam hiền lương chất phác. Có khi trong đêm khuya tôi còn nghe tiếng người cha họ niệm kinh Phật nữa và cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ những cử chỉ mà 2 vợ chồng đã đối xử với tôi trong những đêm khuya khoắc khi được phép ra ngoài như đã ân cần lấy quần áo cho tôi thay, múc nước mang khăn cho tôi rửa ráy người qua quýt hoặc ép tôi ăn cơm mà vẫn còn nóng hổi. Tôi nhìn khuôn mặt của 3 người chủ nhà này. Trên mặt họ đầy vẻ lo lắng cho tôi tưởng như họ đang lo cho người thân thiết ruột thịt của họ vậy. Bác Ba, tên người cha, nói cho tôi biết những năm trước đây ông còn sống ở Bạc Liêu , làm việc trong 1 nhà máy xay lúa của Hoa kiều và rồi nhà máy này bị sung công, chủ đi xuất cảnh nước ngoài, nhà máy đóng cửa không có việc làm, ông nghe lời các người bạn vào đây khai đất làm các vuông nuôi tôm. - Tôi năm nay sáu mươi hai tuổi rồi cậu à. Lập gia đình trễ nên chỉ có 3 đứa con. Đứa lớn là gái chị thằng Tư này hiện đang sống với chồng nó ngoài chợ cầu Cà Mau đó. Vợ tôi cũng sống chung với chúng, buôn bán lặt vặt ở chợ kiếm thêm. Cha con tôi cũng thay nhau chạy ghe chở khách kiếm tiền ngoài đó rồi khi nào có việc thì lại vào đây như lần vào canh con nước này. Thỉnh thoảng tôi đón vợ tôi vào đây sống ít ngày với vợ chồng thằng Tư cho vui. Đứa kế cũng gái mà vắn số đã chết lúc còn nhỏ. Coi như còn có 2 đứa thôi. Thằng Tư, cậu gọi nó bằng Út cũng được tôi mới lo vợ cho nó hơn năm nay hà. Buổi tối cậu đến nhà là lúc đó tôi và nó đang đi canh nước cho vào các vuông tôm đó. Chúng tôi tự phá đất làm lấy nên vuông không được nhiều mà cũng khá xa nhà vì đất chung quanh đây cậu thấy tuy còn bỏ hoang chứ là đất có chủ hết rồi đó. Bác Ba và 2 vợ chồng anh Tư cũng thắc mắc hỏi tôi là tại sao ghe vượt biên lại bị mắc cạn tuốt trong vùng Cái Đôi này vì từ đây ra tới cửa vàm ngoài biển cách cả cây số ngàn mà ra được ngoài đó thì tiếp với biển lớn rồi, cứ vậy mà chạy ghe thì công an nào bắt được. Tôi cũng nói cho 3 người này biết về nguyên do tại sao ghe bị mắc cạn thì bác Ba cho biết thảo nào tụi thằng Sáu thằng Mai du kích nói là ghe vượt biên này bị công an biên phòng đuổi bắt đâu tuốt ngoài biển vào tới đây thì mắc cạn. Cậu kể thì tôi mới biết, tụi tài công sao mà ngu quá mạng, đi đã khó mà quay trở về còn khó gấp bội tại sao tụi nó lại làm như vậy để hại thân còn làm hại thêm bao nhiêu người nữa? Cũng bác Ba cho tôi biết là vùng Cái Đôi này có khá nhiều gia đình thuộc chế độ mới đến đây lập nghiệp như gia đình của bác vậy. Tôi nghe mà thầm nhủ lòng mình quá sức là may mắn vì buổi tối hôm đó lại chạy đúng vào nhà của những con người hiền lương này nếu rủi mà ghé trúng nhà người của chế độ mới thì hậu quả thật khôn lường. Sau 4 ngày đêm trốn tránh trong lu, bác Ba cho biết tình hình yên ổn rồi. Những người bị bắt đã bị công an biên phòng giải tuốt ra huyện Cái Nước và bác nói là sẽ thu xếp đưa tôi đi sớm. Nửa khuya về sáng của ngày thứ 5 thì cả 3 cha con bác Ba và tôi dậy thật sớm, ăn uống xong xuôi, 2 cha con đi xem xét thật kỹ lưỡng chung quanh căn nhà rồi hối tôi theo họ xuống chiếc ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm Kohler 4 đang nổ máy chờ sẵn. Ghe từ từ chạy và một lát sau thì bác Ba nói cho biết là đã ra khỏi vùng Cái Đôi rồi. Từ lúc này thì an toàn vì công an du kích chỉ để ý chận xét những ghe từ Cà Mau chạy ra vàm thôi còn ghe từ vàm chạy vào thì chúng không thèm để ý. Tôi mặc lại quần áo cũ ngồi nhìn cảnh vật hai bên bờ. Chúng tôi đến được chợ cầu Cà Mau vào lúc trời chạng vạng chiều. Đến đây bình an hoàn toàn, anh Tư nói nhỏ. Tôi đã lấy ra chiếc khâu vàng 2 chỉ còn lại trong người và nhờ sự chỉ dẫn của bác Ba, tôi đã đến 1 hiệu kim hoàn bán đi 5 phân vàng của chiếc nhẫn này. Có tiền rồi tôi đã mời 2 cha con bác Ba anh Tư đi ăn hủ tiếu và sau đó tôi đã hết lời năn nỉ 2 người ân nhân này vui lòng nhận 1 chỉ 5 phân vàng và tiền mặt còn lại (sau khi giữ một ít tiền đủ để đi xe về Sài gòn trong ngày), coi như là 1 tấm lòng tạ ơn của tôi vì biết đến bao giờ mới có dịp gặp lại nhau. Nếu không có các vị ân nhân này thì không cách nào tôi chắp cánh chạy thoát được vì lúc ngồi trên chiếc ghe nhỏ của họ, tôi đã thấy ghe chạy quành phải, quẹo trái qua cả trăm con kênh, rạch mới đến được vùng chợ cầu Cà Mau. Tôi về đến nhà sau gần nửa tháng vắng mặt. Gia đình tôi mừng vô kể vì cả nhà đã biết chuyến đi không thành và đang dò hỏi trại giam để dò tìm tin tức của tôi. Không thể ngờ được là tôi lại về được đến nhà. Chuyến vượt biên bất thành lần đó chỉ có duy nhất một mình tôi là thoát khỏi tay công an, chị Thu người trong tổ chức sau này cho biết như vậy. Cho tới bây giờ mỗi lần nghĩ lại chuyện vượt biên năm xưa, tôi vẫn không quên các khuôn mặt của bác Ba, vợ chồng anh chị Tư chủ nhà và ngay sau đó là 1 nỗi buồn trong tôi là từ đó đến giờ tôi vẫn chưa có lần nào có dịp để tìm đến vùng Cái Đôi Vàm thăm hỏi tin tức của những con người hiền lương tốt bụng này, tuy nghèo vật chất nhưng rất giàu lòng bác ái thương người. Phạm thắng Vũ
No comments:
Post a Comment