Sunday, February 8, 2009

22.4.1975 Phòng Tuyến Trảng Bom




Ngày 22/4/1975: Quân Đoàn 3 Lập Phòng Tuyến Trảng Bom
*Diễn tiến cuộc triệt thối của Lực lượng VNCH khỏi Long Khánh
Sau hơn 10 ngày quyết chiến với 4 sư đoàn Cộng quân, vào ngày 20 tháng 4/1975, toàn bộ lực lượng VNCH tham chiến tại mặt trận Xuân Lộc được lệnh rút khỏi chiến trườngnày để về Phước Tuy. Cuộc rút quân được diễn ra từ chiều ngày 20 tháng 4/1975, đến sáng ngày 22/4/1975, tất cả các đơn vị đã có mặt tại các vị trí mới do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3/Quân khu 3 phối trí.
Theo kế hoạch rút quân, lực lượng tham chiến tại Xuân Lộc sẽ sử dụng liên tỉnh lộ 2 phía Nam Long Khánh, rút về Phước Tuy theo thứ tự: Sư đoàn 18 Bộ binh và các đơn vị trực thuộc. Bộ chỉ huy Tiểu khu Long Khánh và các tiểu đoàn Địa phương quân của tiểu khu này. Lữ đoàn 1 Dù và tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù.
Lộ trình rút quân là các cánh quân sẽ xuất phát từ Tân Phong, Long Giao, theo Liên tỉnh lộ 2 về Phước Tuy. Theo kế hoạch, Lữ đoàn 1 Dù vẫn tiếp tục giao chiến và đánh bật Cộng quân ra khỏi các vị trí trọng điểm trong thị xã và là lực lượng hậu đoạn sẽ rút đi sau cùng. Các đơn vị của Sư đoàn 18 Bộ binh và lực lượng Địa phương quân rút đi ngay trong buổi chiều. Cánh quân của Sư đoàn 18 BB rút đi tương đối an toàn. Còn cánh quân do Đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Long Khánh chỉ huy đã bị Cộng quân chận đánh. Gần tối 20/4/1975, khi Đại tá Phúc và bộ chỉ huy của ông đang di chuyển, một đơn vị Cộng quân từ trên một đồi cao sát với Liên tỉnh lộ 2, đã bắn nhiều loạt đạn B 40 và bích kích pháo xuống đoàn quân.
Là lực lượng đi đoạn hậu (rút quân sau cùng), các tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 Dù đã phải tử chiến với các trung đoạn Cộng quân trên đường lui binh. Do phải bảo mật cho cuộc rút quân, đồng thời để nghi binh, nên chỉ đến tối 20/4/1975, các tiểu đoàn Dù mới nhận được lệnh rời bỏ chiến tuyến. Tại khu vực Bảo Định, 7 giờ tốingày 20/4/1975, trong khi lực lượng Dù đang giao tranh quyết liệt với Cộng quân thì được lệnh rút quân. Các đơn vị phân thành 2 bộ phận: một bộ phận tiếp tục đánh chận Cộng quân cho bộ phận khác rút. Nói một cách khác, Lữ đoàn 1 Dù vừa đánh vừa tiến hành kế hoạch di chuyển quân về phòng tuyến mới. Lộ trình rút quân của Lữ đoàn Dù dài hơn 40 cây số đường rừng ven theo Liên tỉnh lộ 2 từ Tân Phong đến Đức Thành, Long Lễ về Bà Rịa...
Trong cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc và khu vực phụ cận, các chiến sĩ Dù được lệnh mang theo tất cả cấp số đạn và lựu đạn, quân trang quân dụng. Nhưng có một điều đã làm xót xa các cấp chỉ huy và binh sĩ Dù, đó là những chiến sĩ Dù bị thương nặng trong những trận giao tranh trước khi có lệnh rút quân đang chờ đợi tải thương. Với những người bị thương, nhưng còn tỉnh táo, còn có thể đi được thì từng tổ binh sĩ 4 người sẽ thay nhau dìu đi, còn với những chiến binh Dù bị trọng thương thì thật đau lòng. Trong một tình thế bất khả kháng, tất cả những người lính Dù đều khóc khi phải cố nén đau thương từ biệt những đồng đội của mình đang bị trọng thương ở các chiến hào.

Trước phút lên đường, nhiều người lính Nhảy Dù đã òa lên khóc lớn, ôm chầm lấy đồng đội, máu từ áo bạn thấm sang áo mình, lần đầu tiên và cũng lần cuối cùng họ phải để bạn bè bị thương vĩnh viễn ở lại với chiến trường... Họ sửa lại ngay ngắn thế nằm của đồng đội, vuốt từng đôi mắt sau khi các quân y sĩ, y tá quân y đã chích cho thương binh những mủi thuốc an thần. Nón sắt của thương binh được lấy ra, đầu của họ được gối trên ba lô, súng cá nhân để bên cạnh. Như một thước phim bi tráng trong các tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh, những người lính Dù đứng nghiêm, chào vĩnh biệt đồng đội. Rồi, đoàn quân lên đường.
Đến 9 giờ tối ngày 20 tháng 4/1975, các tiểu đoàn Dù ra đến Quốc lộ 1. Tại đây, đông đảo dân chúng của các khu Bảo Định, Bảo Toàn, Bảo An đã đứng sẵn ở hai bên đường và xin đi theo các chiến sĩ Dù để di tản. Cuộc hành trình gian khó bắt đầu...
*Những cảm tử quân trên đường rút quân
Theo kế hoạch rút quân, ngoại trừ Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù được di chuyển trên đường lộ với sự bảo vệ an ninh lộ trình của đại đội Trinh sát Dù, các tiểu đoàn Dù đều phải băng rừng mở đường di chuyển. 4 giờ sáng ngày 21/4/1975, tại ấp Quí Cả, gần địa giới hai tỉnh Long Khánh và Phước Tuy, đoàn xe chở Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù và Đại đội Trinh Sát Dù bị 2 tiểu đoàn Cộng quân phục kích. Pháo đội C và một trung đội của đại đội Trinh Sát Dù bảo vệ pháo đội này đã bị tổn thất, đa số quân sĩ đều bị thương vong trước các đợt tấn công biển người của Cộng quân. Trên lộ trình triệt thối, đại đội đi đầu của Tiểu đoàn 9 Dù đã đụng độ nặng với Cộng quân tại thung lũng Yarai, dưới chân núi Cam Tiên. Đại đội này đã bị những "chốt" của Cộng quân từ trên cao bắn xuống. Cuộc giao tranh kéo dài nhiều giờ. Để diệt các chốt của Cộng quân, các tốn cảm tử Dù được thành lập ngay tại trận địa với những quân nhân tình nguyên. Những cảm tử quân này mặc áo giáp, đeo súng phóng hỏa tiển cá nhân M 72, lựu đạn, bò đến các "chốt" Cộng quân ở trên núi cao. Có nhiều tốn vừa bò lên núi, đã bị cả chục trái lựu đạn của địch từ trên cao ném xuống.
Họ phải lách thật nhanh, nằm xuống, trước khi lựu đạn địch quân nổ, hoặc chụp lấy và mém trả lại. Trong trường hợp bắn M-72 nếu không có kết quả, họ phải thay đổi ngay vị trí để tránh sự bắn trả của Cộng quân.
Có những người lính Dù đã làm cho mọi người khâm phục về sự dũng cảm phi thường của họ. Chiếc bunker cuối cùng của Cộng quân trên núi Cam Tiên vô cùng kiên cố. Đó là hầm chỉ huy của một đơn vị CSBV. Hai cảm tư quân Dù đã bắn M72 vào bunker này nhưng vẫn không hạ được mục tiêu. Một đồng đội của họ từ lưng chừng núi đứng lên, để M 72 trên vai, bắn thẳng vào mục tiêu. Từng loạt đạncủa Cộng quân bắn trả tới tấp. Nhưng người xạ thủ gan dạ này vẫn đứng thẳng không chịu cúi xuống tiếp tục bắn: chiếc bunker chỉ huy và các ổ súng nặng của Cộng quân bị hủy diệt. Thanh tốn xong mục tiêu này, các đơn vị Dù tiếp tục cuộc hành trình gian khó
tiến về Bà Rịa. (Phần này biên soạn theo tài liệu của Thiếu tá Phạm Huấn, 1 nhà báo quân đội, và lời kể của một số nhân chứng)
* Tái phối trí tại phòng tuyến mới: Trảng Bom-Long Thành-Phước Tuy.
Ngày 22 tháng 4/1975, cuộc rút quân hoàn tất. Sư đoàn 18 Bộ binh sau khi về đến Long Lễ trong ngày 21/4/1975, đã được được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cho di chuyển nghỉ dưởng quân hai ngày tại Long Bình, sau đó các trung đoàn và đơn vị thuộc dụng được điều động đi tăng cường phòng thủ tuyến mặt Đông thủ đô Sài Gòn, kéo dài từ Tổng kho Long Bình đến Kho đạn Thành Tuy Hạ, tiếp cận với lực lượng của các quân trường như Trường Bộ Binh, Trường Thiết Giáp;
Lữ đoàn 1 Dù được bố trí giữ Phước Tuy, bảo vệ Quốc lộ 15 từ LongThành về Bà Rịa, và là lực lượng tiếp ứng cứu Vũng Tàu khi thành phố này bị tấn công.
Với kế hoạch phối trí mới của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 để bảo vệ Sài Gòn, kể từ sáng 22/4/1975, phòng tuyến án ngữ phía Bắc và phía Đông của Quân đoàn 3 và Quân khu 3 được thành hình với liên tuyến Trảng Bom-Long Thành-Phước Tuy. Lực lượng chính tại phòng tuyến này có Sư đoàn 18 Bộ binh, Lữ đoàn 1 Dù, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ (do Chuẩn tướng Trần Quang Khôi chỉ huy) và Lữ đoàn 468 Thủy quân Lục chiến. Trước đó, Lữ đoàn 147 và 258 Thủy quân lục chiến đã được tăng phái cho Quân đoàn 3 và là lực lượng bảo vệ phía Bắc của phi trường Biên Hòa.
Về lực lượng phòng thủ vòng đai xa của Sài Gòn, tính đến ngày 22 tháng 4/1975, có 3 sư đoàn Bộ binh: Sư đoàn 18 BB do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy; Sư đoàn 25 Bộ binh do Tướng Lý Tòng Bá chỉ huy, phụ tại phòng tuyến Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An; Sư đoàn 5 Bộ binh do Tướng Lê Nguyên Vỹ chỉ huy, phụ trách phòng tuyến Bình Dương.

No comments:

Post a Comment