Sunday, April 11, 2010

Một phụ nữ Mỹ cưu mang 216 cô nhi Việt

Sunday, April 11, 2010




12 tháng 4, 1975 và cuộc di tản vô tiền khoáng hậu

Hà Giang/Người Việt (từ Seattle)

LTS - Ðúng ngày này, 35 năm trước, chiếc máy bay quân sự Mỹ đưa 216 cô nhi Việt Nam thoát khỏi một quốc gia đang hấp hối, để vào Hoa Kỳ. Ðộc giả Người Việt cách đây ít lâu được biết đến câu chuyện của thanh niên Vũ Tiến Kinh, đi tìm, và tìm được vị bác sĩ đã cứu sống mình 35 năm trước tại bệnh viên UCLA. Vũ Tiến Kinh là một trong 216 cô nhi ấy. Nhưng, ai là người đứng đàng sau chiến dịch di tản 216 cô nhi An Lạc? Cuộc di tản vô tiền khoáng hậu được thực hiện ra sao trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam? Xin giới thiệu cuộc chuyện trò dưới đây, giữa phóng viên Hà Giang và người phụ nữ Hoa Kỳ có cả cuộc đời gắn liền với hàng trăm cô nhi gốc Việt.

Bà Betty Tisdale (phải), năm nay đã 87 tuổi, với cô con gái tên Liên là 1 trong 5 người do chính bà nhận nuôi trong số 216 cô nhi An Lạc, trong một bữa cơm tại Seattle. (Hình: Phạm Kim/Người Việt Tây Bắc)

***

Sài Gòn, cách đây 35 năm

“Tháng 4 năm 1975, tình hình ngày càng tệ, nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc chiến sắp tàn, Sài Gòn sẽ thất thủ, một số lớn người Việt Nam đã bồng bế nhau đi.”

“Khi Tổng Thống Gerald Ford cho phép các máy bay vận tải (cargo aircraft) được bắt đầu di tản cô nhi ra khỏi Sài Gòn, tôi biết là đã nguy kịch lắm.”

“Mọi việc biến chuyển quá nhanh!”

“Hồi tháng 2, khi về Việt Nam ăn Tết với các cô nhi An Lạc, tôi thấy mọi việc xung quanh còn có vẻ bình thường.”

“Thật không thể tưởng tượng quân đội Hoa Kỳ đã thực sự bỏ cuộc, và cộng sản Bắc Việt sẽ tiến chiếm Sài Gòn.”

“Nhưng không có nhiều thì giờ để sửng sốt.”

“Tôi lập tức gọi cho bà Vũ Thị Ngãi, Giám Ðốc viện mồ côi An Lạc, và người mẹ tinh thần của tôi, là hãy chuẩn bị di tản gấp, vì chỉ vài ngày nữa tôi sẽ về mang hết toàn thể mọi người, cô nhi, giám đốc và nhân viên của An Lạc qua Mỹ.”

“Di tản tất cả mọi người?”

Tôi nhớ lúc đó bà Ngãi đã ngỡ ngàng hỏi.

“Và tôi trả lời: ‘Vâng, tất cả mọi người!’”

“Ðặt xong vé máy bay, tôi biết mình chỉ vỏn vẹn có hai ngày để chuẩn bị cho cuộc di tản vĩ đại.”

“Tuy nói thật mạnh miệng với bà Ngãi, thú thật, lúc bấy giờ, tôi chưa hề biết mình sẽ xoay sở ra sao để mang được cả 400 cô nhi của An Lạc qua đây.”

“Chỉ biết là tôi không thể để cho các em sống trong thế giới vô thần của chủ nghĩa Cộng Sản!”

***

Bà Tisdale còn giữ cuốn album hình ảnh những ngày chạy khỏi Việt Nam. Hai tấm này là hình những em cô nhi lớn hơn giúp đặt các em nhỏ hơn vào trong giỏ để chuẩn bị lên máy bay. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Nói đến đây, người đàn bà ngồi trước mặt tôi, tóc bạc phơ, da mồi, khuôn mặt phúc hậu, đã 87 tuổi, nhưng đôi mắt hiền từ còn rất tinh anh, và giọng nói còn mạnh mẽ, ngừng lại để nhấp một ngụm nước.

Trong căn nhà nhỏ ở Seattle, tiểu bang Washington, có nhiều cây bao quanh, không khí như đẫm ướt sương, và lá rơi khắp mặt đường, tôi ngồi thu mình trong chiếc ghế sofa, mà theo lời bà, “được chế ra từ một chiếc giường mây mang đến từ cô nhi viện An Lạc, 35 năm trước đây.”

Và câu chuyện bà kể, cũng cũ xưa như chiếc giường mây tôi đang ngồi, xảy ra cách đây đúng 35 năm, với tôi là một hành trình đi tìm lịch sử, nhưng với bà là một chuyến xe trở về với kỷ niệm.

Tên bà là Betty Tisdale.

Hai cô gái tên Xuân (trái) và Liên, là 2 trong 5 cô gái đã được ông bà Tisdale nhận làm con nuôi từ cô nhi viện An Lạc. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Bắt đầu từ cuộc di cư 1954

Câu chuyện được tiếp tục sau khi bà Tisdale đưa tôi đi thăm căn phòng, mà bà gọi là “The Việt Nam Room.”

Căn phòng, chứa đầy bàn ghế tủ giường làm từ Việt Nam, và một cuốn scrap book vĩ đại to bằng một phần tư cái giường, trong đó dán đầy hình ảnh và bài báo của gần năm mươi năm sinh hoạt của bà.

“Cuốn scrapbook của bà vĩ đại quá!” Tôi kêu lên.

Lần giở vài trang, bà Tisdale nói như cho một mình mình nghe.

“Cả cuộc đời tôi nằm trong ấy!

Bà Betty Tisdale đang chỉ cho phóng viên Người Việt xem chồng tài liệu bà còn giữ của thời di tản các em mồ côi An Lạc. (Hình: Phạm Kim/Người Việt Tây Bắc)

Ðó là cuộc đời của tôi...”

“Tôi sẽ phải trở lại căn phòng này, xem từng tài liệu, nếu bà cho phép!” Tôi nói.

“Sáng mai tôi sẽ đón em trở lại và chúng ta sẽ duyệt qua mọi tài liệu em muốn.” Bà Tisdale nhìn tôi hứa hẹn.

“Ồ thích quá, bà cho phép thật không?” Tôi reo lên.

Chúng tôi xuống ngồi ở phòng khách, rồi bà tiếp tục câu chuyện.

“Tôi sinh năm 1923 và là chị cả trong một gia đình có năm chị em.”

“Lớn lên trong thập niên 1930s, thời “depression” (giai đoạn Ðại Khủng Hoảng Kinh Tế) của Hoa Kỳ, tôi phải giúp cha săn sóc các em từ nhỏ, vì mẹ bà bị bệnh lao, lúc đó không chữa được, phải ở trong một viện dành cho những người cùng bệnh.”

“Năm tôi chín tuổi thì cha bị bệnh chết, đứa em trai út cũng chết vì bệnh lao.”

“Hai người cô ruột, và một người hàng xóm chia nhau mang bốn chị em chúng tôi về nuôi.”

“Lớn lên không được đi học nhiều, tôi làm đủ mọi thứ việc để kiếm sống, và dần dà được nhận vào làm thư ký cho hãng US Steel, một công việc không dễ lúc đó.”

“Lúc hai mươi mấy tuổi, tôi đã tự tạo được cho mình một cuộc sống khá ổn định, độc lập, không vướng bận, nhưng lúc nào cũng thấy mình bị thôi thúc bởi một cảm giác bất an là ‘chưa làm được gì.’”

“Mẹ nuôi thấy tôi bất an, luôn bảo là hãy mãn nguyện với cuộc sống của mình.”

“Nhưng hai chữ mãn nguyện làm tôi thật ‘bất mãn!’”

“Vì nếu lúc nào cũng mãn nguyện thì còn làm gì được cơ chứ?” Bà Tisdale cao giọng.

“Thế rồi một hôm, định mệnh đẩy vào tay tôi một cuốn sách khiến tôi ngơ ngẩn.”

Nói đến đây bà với tay lên kệ sách, rút ra và trao cho tôi cuốn sách cũ kỹ, bìa rách tả tơi. Ðó là một cuốn sách cũ kỹ đã xuất bản cách đây gần 50 mươi năm, có tên là “Deliver Us from Evil” của Bác Sĩ Tom Dooley, một bác sĩ quân y thuộc Hải Quân Hoa Kỳ.

Ngoài bìa là hình một người đàn ông Mỹ đứng cạnh một đứa bé Á Ðông.

Nâng cuốn sách trên tay, tôi như bị thôi miên bởi những tấm hình trắng đen ghi lại cuộc di cư của hơn một triệu người trốn chạy Cộng Sản từ Bắc vào Nam. Những hình ảnh có lẽ trông còn thê thảm hơn cả cảnh vượt biên của 'boat people' vào năm 1975.

Sách kể lại những gì Bác Sĩ Tom Dooley đã làm để xoa dịu vết thương của những người có mặt trên chuyến “Hàng Không Mẫu Hạm USS Montague” đưa người Bắc di cư vào Nam năm 1954.

Lật một trang sách, bà Tisdale chỉ cho tôi xem tấm hình chụp một người đàn bà đang trên đường trốn chạy, nhưng vẫn rất thanh lịch, đang được những đứa trẻ rách rưới lem luốc vây quanh.

“Ðó là bà Vũ Thị Ngãi, một người đàn bà góa chồng, có học thức, thuộc dòng dõi quý tộc.” Bà Tisdale nói.

“Trên đường di cư, bà Ngãi nhặt hết những đứa trẻ nằm lê lết bên xác của cha mẹ rồi mang theo vào Nam.”

“Những đứa trẻ này, là những em cô nhi đầu tiên của cô nhi viện An Lạc.”

“Ðó là lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên cô nhi viện này.”

Tôi lướt nhanh những hàng chữ trước ở bìa trong.

Sách kể sau cuộc di tản, Bác Sĩ Tom Dooley giúp bà Vũ Thị Ngãi dựng cô nhi viện An Lạc, những trẻ mồ côi và nạn nhân chiến tranh, ông cứ về Mỹ xin tiền, gây quỹ, rồi lại mang vào Việt Nam để giúp đỡ họ.

“Nội dung cuốn sách cứ ám ảnh tôi. Tôi không thể xua được những hình ảnh bác sĩ Tom Dooley săn sóc đủ mọi loại bệnh nhân ra khỏi đầu.” Bà Tisdale kể tiếp.

“Tôi quyết tìm gặp Bác Sĩ Tom Dooley cho bằng được.”

“Và cuối cùng tôi thì cũng gặp được ông trong khu chữa bệnh ung thư của một bệnh viện ở Nữu Ước.

“Tôi hỏi ông có tôi có thể làm gì để giúp đỡ việc ông đang làm.”

“Ông không nói gì về bệnh tình của mình, mà chỉ bảo tôi khi có thì giờ nên về thăm cô nhi viện An Lạc, rồi sẽ biết phải làm gì.”

“Sau lần gặp mặt duy nhất đó, Bác Sĩ Tom Dooley qua đời, lúc ông mới 34 tuổi.”

“Bác Sĩ Tom Dooley còn nói với bà điều gì không?” Tôi hỏi.

“Có! Ông nói một câu mà tôi không bao giờ quên.”
“...”

“Là đừng bao giờ quên rằng một người bình thường cũng làm được những việc phi thường.”

“Một người bình thường cũng làm được những việc phi thường.” Tôi lập lại.

“Vâng! Thế là tôi để dành tiền, mua vé máy bay về thăm An Lạc.”

Cô nhi viện An Lạc

“Chiếc xích lô đưa tôi đến cô nhi viện trong một buổi trưa nóng bức của năm 1961.”

“Và dù đã chuẩn bị tinh thần, quang cảnh của cô nhi viện An Lạc làm tôi chết lặng.”

“Bà Vũ Thị Ngãi lúc ấy đang săn sóc một đứa trẻ bị ghẻ lở, đứng dậy rửa tay, rồi ra đón tôi, và đưa tôi đi một vòng thăm cô nhi viện của bà.”

“Trẻ em nằm thọt lỏn trong những cái võng được bện bằng vải rách, hoặc còng queo trên một dãy những chiếc nôi rỉ sét.”

“Không có hệ thống nước trong nhà. Tất cả mọi người tắm rửa ở các vòi nước ngoài sân.”

“Không có cả nhà bếp, ngoài những chiếc lò than nằm lỏng chỏng dưới đất.”

“Ở các góc phòng, nhiều trẻ em, đứa lớn bồng đứa bé.”

“Thế nhưng đâu đó vẫn có tiếng cười trong như pha lê, và những ánh mắt long lanh.”

“Tôi đến gần một chiếc nôi và bế một đứa bé.”

“Và khi đứa bé đưa hay tay quàng vào cổ tôi, rồi nhất định co chân đu người lên không cho tôi thả nó xuống nôi nữa, thì tôi biết cuộc đời mình giờ đã gắn liền với An Lạc.”

Cuộc đời gắn liền với An Lạc

Trở về Mỹ, bà Tisdale quyết định không thể tiếp tục làm thư ký cho hãng US Steel được nữa, mà phải đi tìm một công việc khác, để có điều kiện hỗ trợ bà Vũ Thị Ngãi, và những đứa trẻ đáng thương bà đã gặp ở An Lạc.

Nhờ người quen giới thiệu, bà được giới thiệu vào làm thư ký cho Thượng Nghị Sĩ Jacob Javits tại tiểu bang Nữu Ước.

Và dùng thế lực của Thượng Nghị Sĩ Javits, bà xin được thuốc men, tã lót, nồi niêu, xoong chảo, sách vở và tất cả những thứ một viện mồ côi cần có.

Hàng năm bà Tisdale dùng ngày nghỉ phép của mình để về thăm và sống với các em cô nhi An Lạc.

Cũng dùng sự quen biết của mình, bà gặp các binh sĩ Hoa Kỳ đóng gần Sài Gòn nhờ họ đến giúp xây hệ thống nước, bếp, và giường chiếu.

Cuối tuần, các binh sĩ Hoa Kỳ rủ nhau đến chơi đùa với các em, và làm những việc cần thiết để biến An Lạc thành một nơi tương đối khang trang cho các em.

Cũng tại An Lạc, bà Tisdale gặp một bác sĩ quân y góa vợ, đến giúp cô nhi viện và hai người kết hôn.

Trong tấm hình cưới của hai người, tôi thấy chồng bà, Bác Sĩ Quân Y Tisdale, có nét quen quen. Nhìn kỹ thì mới thấy ông có nét giống Bác Sĩ Tom Dooley thuở nào.

Trong vòng mười bốn năm trời, bà Tisdale mỗi năm đi thăm An Lạc mấy lần, và chăm sóc từng cô nhi ở An Lạc và coi tất cả như con của mình.

Cuộc sống êm đềm tưởng cứ thế trôi, nhưng không ngờ đùng một cái bà phải di tản cả cô nhi viện.

Di tản

“Sau khi đã mua vé đi Việt Nam rồi thì tôi bắt đầu lo.”

“Làm sao mang được các em qua đây?”

“Mang đến đây rồi chứa các em ở đâu?”

“Làm sao để có thể tìm ngay cha mẹ nuôi cho ngần ấy em trong vòng một thời gian ngắn?”

“Ðầu óc tôi quay cuồng những câu hỏi.”

Không biết bắt đầu từ đâu, bà Tisdale gọi Hoa Thịnh Ðốn, rồi được biết là chính phủ đòi hỏi trẻ em phải có sẵn cha mẹ nuôi, hay đang làm thủ tục làm con nuôi thì mới được vào Mỹ.

Bà gọi Sở Di Trú thì được họ đề nghị là nên liên lạc với một trong các tổ chức chuyên lo thủ tục con nuôi thì mới có thể mang các em vào Hoa Kỳ.

“Tôi chỉ là một cá nhân tự quyên tiền, bấy lâu đi về Việt Nam để giúp các em, hầu như không quen lắm với thủ tục xin/cho con nuôi.” Bà kể.

“Ngoại trừ những lần làm thủ tục nhận năm bé gái An Lạc làm con nuôi và mang về Mỹ.”

“Tôi gọi cho trung tâm Tressler Lutheran ở Pennsylvania, và được họ hứa sẽ tìm cách giúp đỡ.”

“Nhưng trước khi đi Việt Nam tôi còn phải tìm chỗ tạm trú cho các em.”

“Tôi chợt nhớ đến trại Fort BenningGeorgia. Nơi đây có những trại trống, tại sao không thể tạm để các em ở đó?”

“Liên lạc với vị tướng của trại Fort Benning mãi không được, tôi tìm cách gọi cho mẹ của ông, tự giới thiệu và giải thích là tôi phải mang 400 trẻ em cô nhi qua, cho biết cần sự giúp đỡ của bà, vì sáng mai tôi phải đi Việt Nam sớm.”

“May sao, bà biết đến tên tôi vì thỉnh thoảng tôi hay đi diễn thuyết ở các nhà thờ.”

“‘Ðể chuyện đó tôi lo cho!’ Mẹ của ông tướng nói.”

“Về đến Việt Nam, tôi đến ngay Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ.”

“Lúc đó tòa đại sứ đã chuẩn bị để đóng cửa, tủ bàn xô lệch, hồ sơ đã được đóng thùng, chuẩn bị đưa đi.”

“Vị đại sứ giới thiệu tôi với một người lo máy bay di chuyển của quân đội.”

“Ông ta nói có thể lo việc vận chuyển, cần bao nhiêu máy bay của quân đội cũng có, nhưng tôi cần được sự chấp thuận của chính quyền Việt Nam.”

“Tôi đi gặp thứ trưởng Bộ Xã Hội là Bác Sĩ Phan Quang Ðán, thì được ông cho biết chúng tôi cần phải có một danh sách và giấy khai sanh cho các em.”

“Trẻ em bị bỏ rơi người ta mang đến vất ở cửa cô nhi viện, chúng tôi nhặt vào nuôi, làm sao có giấy khai sanh bây giờ?”

“Nhưng bắt buộc phải vượt qua mọi trở ngại!”

“Chúng tôi làm việc thâu đêm để chế ra giấy khai sinh cho các em, rồi tạo ra một danh sách, với 400 tên.”

“Chúng tôi đặt tên cho các em trai bắt đầu với Vũ Tiến... Và các em gái bắt đầu với Vũ Thị...”

“Tại sao lại chọn họ Vũ?” Tôi hỏi.

“Vì lấy theo họ bà Vũ Thị Ngãi, sáng lập viên và giám đốc của cô nhi viện.”

“Sáng ngày lên đường chúng tôi mang danh sách lên nộp ở Bộ Xã Hội, thì được Bác Sĩ Phan Quang Ðán cho biết không thể cho các em trên mười tuổi ra đi.”

“Vì sao?”

“Chúng tôi sẽ cố thủ, chúng tôi không thể bỏ cuộc. Chúng tôi không thể để cho Việt Cộng tiến chiếm. Chúng tôi cần tất cả các em trên mười tuổi ở lại để giúp đánh trận.”

“Tôi rất tiếc là không thể để cho các em đi được. Ðó là quyết định của chính phủ tôi.”

Thứ Trưởng Phan Quang Ðán cương quyết.

Khi tôi mang lệnh của Thứ Trưởng Phan Quang Ðán về báo cho cô nhi viện thì cảnh trước mặt làm tôi thật đau lòng.

“Các em sơ sinh đã được đặt nằm gọn ghẽ vào trong những chiếc giỏ phủ đầy chăn và tã, các em lớn quần áo chỉnh tề. Các em hai ba tuổi thì đang chạy lăng quăng chơi đùa quanh những cái giỏ.”

Trang báo Columbus Enquirer-Ledger ở Georgia, phát hành ngày Thứ Bẩy, 12 tháng 4, năm 1975, đăng tin về chuyến bay sẽ đưa các trẻ em cô nhi An Lạc đến Georgia cùng ngày.

Một cô nhi đã chết trên đường đi, lúc đó báo này chưa biết tin. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

“Bà Vũ Thị Ngãi, người phụ tá và các thiện nguyện viên cũng đã sẵn sàng lên đường.”
“Tin nghe như sét đánh ngang tai, người lớn chỉ lặng lẽ nhìn nhau, còn các em lớn được bảo thay quần áo ra thì ngơ ngác.”

“Xa xa có tiếng súng nổ. Người ta bảo cộng sản Bắc Việt đã tiến gần vào thành phố.”

“Sau khi trấn tĩnh. Chúng tôi quyết định cùng kéo nhau hết ra phi trường, những em phải ở lại đưa tiễn những đứa được ra đi.”

“Trước khi lên xe, tôi quay lại nhìn cô nhi viện lần cuối.”

“Những chiếc nôi trống rỗng. Không có trẻ em, cô nhi viện trông như một cái xác không hồn.”

“Bà Vũ Thị Ngãi đứng yên một góc, mắt đỏ hoe.”

“Tại phi trường, chúng tôi bịn rịn chia tay.”

“Tôi ôm bà Ngãi, và hứa sẽ quay trở về để đón bà, mà lòng tự hỏi không biết khi tôi trở về được thì có muộn quá không.”

“Hai chúng tôi cùng cố không khóc, nhưng nước mắt ràn rụa.”

”Các em bé được quân nhân chuyển từ những cái giỏ vào các thùng giấy cho an toàn hơn.”

“Mọi thứ đã sẵn sàng.”

“Máy bay gầm gừ cất cánh, những cái vẫy tay của bà Ngãi và giọt nước mắt của các em nhạt nhòa dần. Nhưng những hình ảnh ấy sao cứ mãi khắc sâu trong tâm khảm.”

“Tôi đã ra đi, bỏ lại gần hai trăm đứa con mình đã săn sóc cả mười bốn năm trời.”

“Và lời nói của Thứ Trưởng Phan Quang Ðán mãi cứ vang trong tai tôi.”

“Chúng tôi sẽ cố thủ.

Chúng tôi không thể bỏ cuộc.”

“Chúng tôi không thể để cho Việt Cộng tiến chiếm. Chúng tôi cần tất cả các em trên mười tuổi ở lại để giúp đánh trận.”

Ngày 12 tháng 4 năm 1975, chiếc máy bay chở 219 cô nhi từ An Lạc đáp cánh an toàn tại Los Angeles. Một số cô nhi quá yếu đã được gửi lại ở UCLA để được săn sóc. Trách nhiệm của chính phủ Hoa Kỳ đến đây là hết. Ông bà Tisdale phải tự tài trợ phí tổn $21,000 cho chuyến bay đưa các em từ Los Angeles về Fort Banning để lo thủ tục tìm cha mẹ nuôi. Tất cả các em đã được trung tâm Tressler Lutheran Agency tìm cha mẹ nuôi trong vòng trên dưới một tháng.

(Trong số báo đặc biệt nhân 35 năm biến cố 30 tháng 4, Người Việt sẽ kể tiếp câu chuyện của bà Betty Tisdale, và cả câu chuyện của 216 cô nhi An Lạc năm nào; Ðiều gì đã xảy ra? Ai còn, ai mất? Hơn 200 em thuộc đại gia đình “Vũ Tiến...,” “Vũ Thị...” hội nhập ra sao?)



Ngô Nhân Dụng

Chúng ta mới có dịp gặp gỡ, trên tờ báo này, những nhân vật đã bị quên lãng trong 35 năm qua, kể từ sau biến cố năm 1975, như em Vũ Tiến Kính và bà Betty Tisdale. Nhiều độc giả Người Việt đã bày tỏ nỗi xúc động sau khi đọc câu chuyện em Kính đi tìm nguồn cội Việt Nam của mình. Nhờ duyên lành được một bác sĩ của trường UCLA chăm sóc em khi mới đến Mỹ, em bé mồ côi Vũ Tiến Kính đã được phóng viên Người Việt đưa về Little Sài Gòn hòa nhập trong cộng đồng người Việt. Vào cuối Tháng Tư này, em sẽ trở lại đây hội ngộ với đồng bào, bao nhiêu cánh tay đang chờ ôm lấy đứa con bị thất lạc suốt 35 năm, đang tìm về cùng cô dì, chú bác, anh chị em.

Ðầu tuần này, cũng trên mặt báo Người Việt, chúng ta lại được nghe Hà Giang kể câu chuyện bà Tisdale, người đã vận động mang được 2 trăm trẻ em mồ côi Việt Nam sang Mỹ vào những ngày cuối Tháng Tư năm đó, mà em Kính là một trong số trẻ may mắn này. Cùng lúc đó, ở Sài Gòn, báo Tuổi Trẻ đã kể câu chuyện cô Trista Goldberg, một trẻ mồ côi được bốc khỏi Sài Gòn vào cuối Tháng Tư 1975, lúc cô mới lên 4 tuổi. Cô Trista đã tìm lại được cha mẹ nuôi cũ hồi cô ở Việt Nam, rồi tìm được cả cha mẹ ruột và anh chị em, sau khi cả hai gia đình đã sang Mỹ sống. Cô Trista dùng mạng lưới Internet liên lạc với trên 50 trẻ em mồ côi khác, cũng ra đi trong những chuyến không vận năm 1975. Cô đã lập một tổ chức giúp họ tìm cha mẹ, thân nhân. Tổ chức tên là Operation Reunite, Chiến dịch Tái Ngộ, dùng Facebook để nói chuyện với nhau, trao đổi tin tức. Dù có người giúp hay không, những đứa trẻ bị quên lãng trong suốt 35 năm qua vẫn muốn về tận nguồn gốc, tìm hiểu tổ tiên và nhận họ hàng.

Cuối Tháng Tư này, quý vị trong vùng Little Saigon sẽ có cơ hội gặp bà Betty Tisdale, một người xả thân vì việc nghĩa, mà sau khi đọc bài báo của Hà Giang nhiều độc giả đã gọi bà là một vị tiểu bồ tát. Nhưng trong cùng bài báo trên, Hà Giang cho biết chính bà Betty Tisdale đã gọi bà Vũ Thị Ngãi, và Bác Sĩ Tom Dooley là những vị “thánh.” Bà Ngãi là người trông nom cô nhi viện An Lạc ở Sài Gòn trước 30 Tháng Tư, năm 1975, sau khi đã đưa 80 em trẻ mồ côi từ Bắc di cư vào Nam năm 1954. Betty Tisdale đã đọc sách của Bác Sĩ Thomas Dooley nên biết đến bà Ngãi và công cuộc nuôi cô nhi của bà tại Việt Nam. Bác sĩ là người đã khuyên bà Tisdale hãy đi Việt Nam, hãy tới thăm Cô nhi viện An Lạc. Những lời ông khuyên, trên giường bệnh, trước khi ông qua đời vì ung thư khi mới 34 tuổi, đã thay đổi cuộc đời của người phụ nữ này. Bà Tisdale đã gặp các cô nhi, hàng ngàn “đứa con” của bà Vũ Thị Ngãi, từ năm 1961 đến năm 1975. Bà đã dùng cuộc đời sau đó của mình để đi tìm các nguồn tài trợ giúp nuôi các trẻ em mồ côi này, mặc dù bà vẫn sống và làm việc như mọi phụ nữ Mỹ bình thường khác. Và Tháng Tư năm 1975 bà Tisdale đã vận động để đưa được 219 trẻ em mồ côi qua tới Los Angeles, rồi dần dần trao các em cho các gia đình cha mẹ nuôi. Ðã 35 năm qua, năm nay là lần đầu tiên bà Betty Tisdale, nay 87 tuổi, sẽ chính thức “tái ngộ” với cộng đồng người Việt Nam, ở California. Ðể người Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn với một con người có tấm lòng từ bi vô lượng và một ý chí phi thường khi muốn làm việc nghĩa.

Trên thế giới không thiếu gì những người giầu lòng từ bi. Cũng trong số báo Người Việt đầu tuần này, quý vị đã đọc chuyện một gia đình người Việt ở Mỹ hàng năm vẫn về làm việc thiện tại một ngôi chùa ở Huế. Phóng viên Trần Tiến Dũng đã chứng kiến cảnh hàng trăm người kém mắt được Ni Sư Minh Tú mời về chùa nhận những món quà do lòng từ thiện của người Việt giúp đỡ người Việt. Có những cụ già 90 tuổi, hoàn toàn mù lòa, tai không còn nghe được nữa; có cả những em mù từ tấm bé, được mẹ ôm tới chùa. Mỗi lần trên báo này kể một câu chuyện thương tâm ở trong nước, rất nhiều độc giả đã viết thư xin địa chỉ các nạn nhân để trực tiếp giúp.

Trong xã hội người Việt, ở ngoại quốc cũng như ở trong nước, có bao nhiêu người muốn làm việc thiện, và rất nhiều người có thể sẵn sàng xả thân vì đạo nghĩa. Một điều khác biệt, là ở những nơi con người được sống tự do thì người ta có thể làm việc thiện hiệu quả hơn. Bởi vì một người làm việc thiện một mình đã là rất tốt, nhưng nếu 10 người, 100 người cùng góp sức, cùng tổ chức chung để làm việc thiện thì kết quả không phải chỉ nhân lên 10 lần hay tăng lên gấp 100 lần, mà có thể tăng lên hàng vạn, hàng triệu lần sức của một cá nhân.

Ðọc câu chuyện về bà Betty Tisdale, chúng ta thấy công việc bà làm đã sử dụng tới nhiều tổ chức trong xã hội công dân ở Việt Nam cũng như ở Mỹ. Bà Tisdale không thể thực hiện được ý nguyện độ sinh của mình dễ dàng, nếu không có bà Vũ Thị Ngãi và những người khác, đã tổ chức ra cô nhi viện An Lạc ở Việt Nam. Chính các tổ chức tư nhân, trong đó có nhiều tôn giáo tham dự, đã lo hàn gắn các “vết thương xã hội” trong thời chiến tranh ở miền Nam. Chính quyền không đủ sức lo tất cả, các công dân tự động đứng ra làm các việc đó. Ðó là ý nghĩa của sự thành hình xã hội công dân. Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mọi người dân cũng được tự do làm việc từ thiện, tổ chức các hội thiện nguyện, mà không bị các cán bộ trong một “Mặt trận Tổ quốc” nào theo dõi, kiểm soát tư tưởng chính trị!

Ở nước Mỹ, xã hội công dân còn mạnh hơn nữa. Khi cần giúp các em cô nhi ở Sài Gòn, bà Tisdale trở về Mỹ vận động các hội thiện, các nhà thờ, bệnh viện, để xin thuốc men, tiền bạc, thực phẩm. Các tổ chức tư nhân, tự nguyện này, tạo thành một xã hội công dân Mỹ, hoàn toàn độc lập với chính quyền Mỹ. Ðây là một truyền thống trong xã hội Mỹ từ thời lập quốc, mà các nhà quan sát nước ngoài như Alexis de Tocqueville đã khen ngợi. Xã hội công dân năng động chính là một nền tảng giúp cho chế độ tự do dân chủ ở nước Mỹ được bền chặt, không qua những cảnh thăng trầm như ở Âu Châu.

Bà Tisdale không bao giờ quên một câu Bác Sĩ Tom Dooley khuyên bà, khi ông nằm chờ chết trên giường bệnh, “Ðừng bao giờ quên rằng một người bình thường cũng có thể làm được những việc phi thường.”

Trên thế giới, và trong nước Việt Nam của chúng ta, có biết bao nhiêu người bình thường với tấm lòng từ bi. Họ có thể làm được những việc phi thường, như bà Tisdale, nếu có hoàn cảnh thuận tiện. Chúng ta có thể tạo ra được những hoàn cảnh thuận lợi, bằng cách xây dựng một xã hội trong đó mọi công dân đều được tự do hội họp lại để cùng làm việc công ích, mà không cần phải xin giấy phép, không bị điều tra lý lịch chính trị - chắc chắn không bị điều tra từ ông bà tổ tiên ba đời trước! Mẹ Teresa đáng được phong thánh, dù bà theo bất cứ tôn giáo nào. Nhưng nếu bà Agnès Gonxhe Bojaxhiu sống ở trong một nước thiếu tự do, như tại quê hương bà ở Albanie, thì bà không thể thực hiện được những công trình lớn lao như bà đã làm được tại Ấn Ðộ. May mắn, quê hương thứ hai của bà là một nước tự do dân chủ, cho nên bà mới được tự do dựng trường học, lập nhà thương, khuyến khích mọi người tự động đứng ra tổ chức làm công việc thiện nguyện chung với nhau, mà không bị một chính quyền độc tài nghi ngờ rồi ngăn cản. Năm 1950, Mẹ Teresa lập Hội Truyền Giáo Bác Ái. Năm 1952, bà thành lập Nhà của Những Người Ðang Chết. Nếu Mẹ Teresa không đến Ấn Ðộ mà lại tới Trung Hoa để làm việc thiện, thì chắc chắn sau năm 1949 bà sẽ phải bó tay. Vì Mao Trạch Ðông cũng như Stalin không bao giờ cho phép xã hội công dân được phát triển độc lập ngoài tầm kiểm soát của đảng cộng sản.

Các chế độ độc tài thường ngăn cấm người dân không cho tự do lập hội. Họ có thể cho phép những người bất mãn ngồi quán chửi chế độ mà không ai bị bắt. Nhưng nếu có 3 người, 5 người muốn họp nhau lại làm một việc gì chung, mà chính quyền thấy không kiểm soát được về mặt chính trị là họ sẽ cấm ngay. Trong các chế độ độc tài người ta đặt ra đủ các thứ “giấy phép” để ngăn cấm những hoạt động mà họ nghi ngờ. Mà các chế độ độc tài thì nghi ngờ tất cả mọi người dân. Trong bài trước, mục này đã kể tại Ba Lan chính quyền chấp nhận những lời khai của công dân mà không cần phải thị thực chữ ký, một cách giản dị hóa thủ tục hành chánh đỡ làm mất thời giờ của dân. Ông bộ trưởng Tài Chánh Ba Lan giải thích: Nguyên tắc là hãy tin dân đã; bao giờ có bằng cớ họ nói dối thì sẽ dùng luật pháp trừng phạt. Ở các chế độ độc tài thì ngược lại, chính quyền bao giờ cũng nghi ngờ dân trước đã. Xã hội công dân không phát triển được vì không có quyền tự do hội họp và lập hội. Một cách ngăn cản các quyền tự do của dân là thiết lập những hàng rào giấy phép! Trên mặt kinh tế, hậu quả của chính sách độc tài vẫn còn tác hại. Trong một bài phỏng vấn gần đây trên báo Tiền Phong, Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh nhận xét về nạn giấy phép sinh sôi, “Luật Doanh nghiệp khi ra đời đã xóa bỏ được 180 giấy phép con, chuyển đổi 286 giấy phép khác. Nhưng đến nay, giấy phép đã mọc thêm hơn 400 cái. Những giấy phép này được quy định trong luật, trong nghị định.”

Nhiều vị độc giả Người Việt ở trong nước chắc cũng rất cảm động đọc những câu chuyện các em Vũ Tiến Kính, Trista Goldberg, chuyện bà Tisdale. Năm 1975, bà Tisdale chắc khó lòng tìm được nơi an trú cho 219 trẻ em mồ côi người Việt, nếu không nhờ một tổ chức thiện nguyện là Tressler Lutheran ở tiểu bang Pennsylvania đứng ra giúp các thủ tục giấy tờ tìm cha mẹ nuôi. Ðó là một tổ chức độc lập với chính quyền nước Mỹ, một trong hàng trăm ngàn, hàng triệu tổ chức tư nhân ở Mỹ, giường cột của xã hội Mỹ. Cô Trista cũng không thể thành lập một tổ chức như Operation Reunite quy tục các trẻ em mồ côi 1975, nếu cô không sống trong một nước với xã hội công dân năng động như ở nước Mỹ. Nếu sống ở một nơi mà Facebook bị cấm, Internet bị kiểm duyệt, thì cô làm sao gặp gỡ được 50 người cùng cảnh ngộ? Chính nhờ có tự do, cho phép xã hội công dân phát triển, mà “những người bình thường cũng có thể làm được những việc phi thường.”

1 comment:

  1. It has become increasingly important for people to make use of available resources in every possible way. In recent years there have been enough technological advances that have made the production of these machines much easier.
    Best Commercial Kitchen Equipment in Delhi, India
    Commercial Kitchen Manufacturer In Delhi
    Hotel Kitchen Equipment
    Tilting Bratt Pan
    Ss Dining Table

    Display Cooling Rack
    Tilting Boiling Pan

    ReplyDelete