Ngôi sao cô đơn, Tướng Lê Văn Hưng
Tướng Lê Văn Hưng
Tôi có đọc bài báo nói về NGÔI SAO ĐƠN, Tướng Lê văn Hưng và những ngày cuối do tác giả Huỳnh Trung N. viết và đăng trên quí báo số 439 (trang 57) đề ngày 17 tháng 6 năm 2000. Trong đó có đoạn nói về Đại Tá Huỳnh Ngọc Diệp ( Diệp chứ không phải Điệp như trong bài báo đã đăng) Tiểu Khu Trưởng kiêm Tỉnh Trưởng Cần Thơ không được đúng sự thật, tôi xin tóm lược lại phần này, do tác giả viết như sau : Ngoài lực lượng Hải Quân Vùng 4 duyên hải di tản đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975, lên tàu còn có Chuẩn Tướng Tham Mưu Trưởng (Quân Đoàn 4), Đại Tá Điệp, Tiểu Khu Trưởng/TK Phong Dinh (Cần Thơ) v. v...Tám giờ ba mươi, Chuẩn Tướng đưa Đại Tá Thiên đến Bộ chỉ Huy Tiểu Khu Phong Dinh tạm thời đảm trách vai vị Tiểu Khu Trưởng. Có lẽ vì thời gian đã quá lâu hoặc tác giả không được ở gần bên Tiểu Khu lúc bấy giờ cho nên thuật lại bị sai lạc chăng? Tôi xin bổ túc lại đoạn này để rộng đường dư luận
Tôi xin được trở lại một chút,( trước ngày 30-4-75), trưa ngày 29 tháng 4 năm 75, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4, lúc đó do Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư Lệnh, được tin là toàn thể nhân viên Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Cần Thơ đã di tản bằng xà lan theo con sông Hậu giang để đi ra biển, mà trên xà lan đó, ngoài nhân viên người Mỹ còn có 2 vị Đại Tá người Việt Nam đi theo. Thiếu Tướng Nam đã ra lệnh cho Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 cho tàu đuổi theo để xem sự việc đó có thật hay không? Vị Tư Lệnh Hải Quân có cho tàu chạy theo bắt kịp chiếc xà lan và tiếp chuyện với ông Tổng Lãnh Sự Mỹ, ông cũng xác nhận là có 2 vị Đại Tá người Việt trên xà lan và 2 vị Đại Tá này lúc ấy cũng không ra mặt. Vị Tư Lệnh Hải Quân này, mặc dù nhận lệnh của Thiếu Tướng Nam để chạy theo chiếc xà lan của Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ nhưng đã không có hành động gì để ngăn cản hay có thái độ gì đối với 2 vị Đại Tá kia, có lẽ trong thâm tâm của ông cũng đã có kế hoạch di tản vào đêm 29 rạng ngày 30 rồi, ý ông chỉ muốn thấy tận mắt ông Tổng Lãnh Sự Mỹ đã ra đi thật sự để lương tâm của ông khỏi phải thắc mắc mà thôi.
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 75 lúc 8 giờ, như thường lệ tôi đến Bộ Chỉ huy Tiểu Khu Phong Dinh (Cần Thơ) để họp Tham mưu mỗi buổi sáng và trong buổi họp này tôi được biết chắc chắn là đêm hôm qua Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 đã rời Cần Thơ để di tản có mang theo, ngoài số Sĩ Quan của H.Q. còn có một số Sĩ Quan Bộ Binh mà trong số này, tai hại nhất có cả vị Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 4 lúc đó là Chuẩn Tướng Q. Trước tin tức này, tôi để ý thấy có nhiều anh em ở Tiểu Khu Phong Dinh có phần xuống tinh thần. Sau buổi họp, Đại Tá Huỳnh Ngọc Diệp, Tỉnh Trưởng / Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh kiêm Thị Trưởng Cần Thơ có gọi tôi ra nói chuyện riêng ở giữa sân cờ của Tiểu Khu vì chỗ này không có ai đứng gần. Trong câu chuyện, Đại Tá Diệp có bàn là trong tình trạng này chắc chúng ta cũng phải ra đi, có một điều mà tôi muốn xác định cho rõ là cho đến lúc đứng nói chuyện với tôi ở cột cờ Tiểu Khu, Đại Tá Diệp chưa bao giờ ngỏ ý hay chuẩn bị để ra đi.
Sở dĩ tôi dám đoan chắc như vậy là vì có thể nói tôi là một trong những người mà Đại Tá Diệp thường bàn luận về vấn đề này nhất, kể cả lúc ông Robert Traiter nguyên Cố Vấn Trưởng ở Sa Đéc sau đổi về Vĩnh Long nhận được lệnh của Tổng Lãnh Sự Mỹ phải rút toàn bộ nhân viên ở Vĩnh Long về Cần Thơ để chuẩn bị di tản và ông này cũng đã lựa một số xe hơi loại tốt đem vô để trong dinh Tỉnh Trưởng chiều ngày 28 tháng 4 năm 75 với ý định là tặng số xe này lại cho Tỉnh xử dụng. Cũng trong buổi đàm đạo tối hôm ấy (những cuộc đàm đạo như thế này rất thường xảy ra khi Đại Tá Diệp và ông Traiter còn ở Tỉnh Sa Đéc trong đó cũng có tôi thường tham dự) tất cả mọi người có mặt kể cả tôi cũng ngồi nghe ông Cố Vấn này (ông không phải là Cố Vấn Tỉnh Cần Thơ mà ông đến với chúng tôi với tính cách bạn mà thôi) thố lộ về tình hình bi đát của đất nước chúng ta lúc bấy giờ và ông cũng có vài lời khuyên là nên tìm cách di tản, nhưng tuyệt nhiên nghe để mà nghe chứ Đại Tá Diệp không bao giờ có ý định bỏ nước ra đi, ít nhất là trong lúc đó. Sở dỉ tôi phải dài giòng như vậy là để xác nhận chắc chắn đều mà tôi nói về Đại Tá Diệp.
Sau khi nghe Đại Tá Diệp thố lộ như trên, tôi cũng ngỏ ý tán đồng vì tôi nghĩ là với tình hình này rất khó mà ở lại, vả lại với cương vị của tôi lúc bấy giờ mà ở lại thì không biết sẽ ra sao? Trong lúc tôi nói chuyện với Đại Tá Diệp ở sân cờ thì thấy Đại Tá K. Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Tỉnh Phong Dinh lững thững đi tới, (vị này cũng vừa ở phòng họp Tiểu Khu ra) Đại Tá Diệp liền ngỏ ý như đã nói với tôi và Đại Tá K. cũng đồng ý và cho biết ông sẽ đi trưng dụng mấy tàu chở xăng ở địa phương để dùng làm phương tiện ra đi, chúng tôi đều đồng ý là sẽ di tản tối hôm đó, tức là tối 30 tháng 4 năm 75. Cũng cần nói thêm là trong lúc chúng tôi bàn tính như vậy thì Tổng Thống Dương văn Minh chưa tuyên bố gì cả, tôi không nhớ rõ lúc đó là mấy giờ, nhưng theo tôi đoán có lẽ vào khoảng 9 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Sau khi Đại Tá K. đi rồi, Đại Tá Diệp có nói với tôi rằng ở ngoài dân chúng đã đồn tôi (Đại Tá Diệp) đã di tản đêm hôm qua, vậy trong khi chuẩn bị đi thì bây giờ tôi với anh nên đi một vòng thành phố để cho dân chúng trong Tỉnh thấy chúng ta hãy còn đây và sau đó anh gọi về cho thiếm (vợ tôi) đem mấy cháu nhỏ qua liền để kịp tối nay đi ( lúc đó nhà tôi và các cháu còn ở bên Sa Đéc). Nghe vậy tôi liền lấy xe jeep của tôi và đích thân lái đưa Đại Tá Diệp đi một vòng thành phố Cần Thơ, lúc trở về gần dinh Tỉnh Trưởng thì gặp Trung Tá Ng., Quận Trưởng Châu Thành Cần Thơ đang lái xe chạy tới, khi gặp chúng tôi ông ta la lên rằng: Ủa, nghe nói đã đi hồi hôm rồi mà sao bây giờ còn ở đây và để đáp lại chúng tôi chỉ biết cười trừ mà thôi.
Sau đó, Đại Tá Diệp và tôi vào văn phòng của ông trong Tòa Hành Chánh, trong lúc chúng tôi đang nói chuyện thì có tùy phái vào báo có Đại Tá Lê Nguyên B. ở bên Quân Đoàn qua muốn gặp Đại Tá Diệp, lúc Đại Tá B. vào thì tôi có nghe 2 bên nói chuyện với nhau về tình hình hiện tại và Đại Tá B. có ngỏ ý là nếu Đại Tá Diệp có định đi thì cho ông ta đi cùng, sau đấy tôi từ giã 2 ông để ra về. Tôi về đến cơ quan của tôi thì nhận được điện thoại của Đại Tá S. là vị chỉ huy trực tiếp của tôi gọi để hỏi thăm tình hình trong đêm tại Thị xã Cần Thơ và ông còn cho biết có một số Chỉ Huy Trưởng đơn vị trong thị trấn đã ra đi trong đêm vừa qua và ông cũng yêu cầu tôi kiểm soát lại tất cả các đơn vị xem ai còn ai mất. Trong lúc này tôi cũng nhận được lệnh đến họp tại Quân Đoàn lúc 10 giờ, theo thông thường thì Quân Đoàn chỉ họp các đơn vị thống thuộc Quân Đoàn mà thôi, nhưng kể từ khi tình hình khẩn trương tiếp theo việc mất miền Trung, Quân Đoàn thỉnh thoảng một tháng vài lần hoặc tuần một lần họp tất cả các Đơn vị Trưởng trong Quân Trấn Cần Thơ, có khi còn có mặt tất cả các Tiểu Khu Trưởng ở các Tiểu Khu thuộc Vùng 4 về họp để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị của Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn, lần này thì tôi không đi họp mà đề cử Thiếu Tá D. đi thay.
Sau đó, tôi bước vội về nhà, nhà tôi ở ngay bên cạnh văn phòng làm việc, chỉ cách có một vách ngăn mà thôi, để lo soạn giấy tờ cần thiết cùng các vật dụng sẽ đem theo và tôi cũng liên lạc về Sa Đéc để gọi nhà tôi đem 2 đứa con tôi qua để chuẩn bị lên đường, nhưng lúc này hệ thống điện thoại quân sự kể cả dân sự đều không hoạt động hữu hiệu, tôi nóng lòng muốn đích thân chạy về Sa Đéc để rước vợ con qua, luôn tiện từ giã ông bà nhạc tôi luôn vì tôi nghĩ là đến tối mới đi nên chắc còn đủ thì giờ. Trong khi tôi còn đang do dự thì một nhân viên của tôi hớt ha hớt hãi chạy vào nhà tôi mà không kịp gỏ cửa như thường lệ, để báo cho tôi biết là nghe trên Đài Phát Thanh có lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi...., mà tôi không muốn dùng chữ đầu hàng ở đây. Nghe xong, tôi lập tức dùng điện thoại dân sự để liên lạc về Sa Đéc, cũng phải vất vả chờ đợi rất lâu Bưu Diện mới nối được đường dây cho tôi nói chuyện với nhà tôi, (lúc bấy giờ hệ thống điện thoại ở các Tĩnh hãy còn thô sơ, mỗi lần gọi đều phải nhờ qua Tổng Đài), tôi hối nhà tôi phải qua Cần Thơ ngay lập tức, cũng may có sẵn phương tiện nên nhà tôi lên đường đi ngay cùng với hai con nhỏ lúc ấy một đứa chưa đầy 3 tuổi và một đứa mới 8 tháng. Về phần tôi, sau khi liên lạc được với vợ con, tôi có phần hơi yên trí, tuy nhiên tôi cũng không biết phải làm gì trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, tôi cứ đi ra rồi lại đi vào trong nhà, thỉnh thoảng tôi nhấc điện thoại lên để gọi Tiểu Khu hoặc bên dinh Tỉnh Trưởng nhưng không thể nào liên lạc được.
Sau cùng tôi gọi tài xế đưa tôi sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, lúc này cổng ra vào của cơ quan tôi được đóng kín và kéo kẽm gai lại nên việc xuất nhập rất là khó khăn, khi tôi ra được bên ngoài thì thấy dân chúng và xe cộ đầy đường, kẻ chạy tới người chạy lui, thật là một cảnh náo loạn chưa từng thấy, còn trên không trung thì đủ loại máy bay và trực thăng cất cánh từ phi trường Cần Thơ và Trà Nóc. Trên đường đến Tiểu Khu, khi đi ngang qua dinh Tỉnh Trưởng tôi thấy rất nhiều người đang đứng bên trong, có cả đàn bà và trẻ em nên tôi bảo tài xế ghé vào, khi vào bên trong thì tôi thấy có một số sĩ quan và công chức trong Tỉnh đã có mặt tại đó đang bàn tính tìm cách di tản, mặt mày người nào người nấy đều lộ vẻ lo âu, buồn bã vì giặc đã gần đến nơi mà chưa có phương tiện gì có thể đưa tất cả số người có mặt ra đi cả. Sau một hồi bàn tán, tôi không nhớ rõ là ai đã đề nghị nên lấy mấy chiếc giang đỉnh, một loại tàu nhỏ do các đơn vị Điạ Phương Quân dùng để đưa chúng tôi đi, việc dùng tàu loại này cũng là vạn bất đắc dĩ, vì như tên của nó, tàu này thuộc loại nhỏ dùng để tuần tiễu trong sông rạch ở miền đồng bằng sông Cửu Long mà thôi, vả lại nó quá nhỏ làm sao chở được hết số người hiện diện. Sau cùng, chẳng còn phương tiện nào khác nên Đại Tá Diệp đồng ý sử dụng loại tàu này, đến đây lại nảy ra một vấn đề khác nữa là các tàu này hiện không có mặt tại Thị xã mà đang hoạt động trong vùng Cái Răng (Quận Châu Thành), muốn gọi họ về cũng mất nhiều thời gian, tuy nhiên cũng còn may cho chúng tôi là sau khi dùng máy vô tuyến liên lạc thì một lúc sau họ đem 3 chiếc về đến cầu tàu phiá sau dinh Tỉnh Trưởng.
Trong lúc này Đại Tá K. Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Phong Dinh/Cần Thơ cũng không tìm được chiếc tàu chở dầu nào như đã nói lúc ban sáng, tuy nhiên ông cũng đã xử dụng 3 chiếc giang cảnh cơ hữu để chở một số lớn gia đình Cảnh sát đến đậu chung với các tàu kia để chờ ra đi một lượt. Vì thấy vợ con tôi chưa qua tới nên Đại Tá Diệp vẩn còn chần chờ chưa chịu ra đi ngay, mặc dù mọi việc đã sẵn sàng, Ông ấy bảo hãy chờ thiếm T. qua rồi mới đi, trước đó ông cũng ra lệnh cho tất cả mấy chiếc phà đều qua đậu bên phiá Cần Thơ, chỉ để lại một chiếc bên phiá Vĩnh Long chờ gia đình tôi đến để đưa qua mà thôi, mặc dù lúc ấy mọi người đều nôn nóng ra đi, tuy nhiên ai nấy đều giữ tôn ty trật tự nên không có gì lộn xộn xảy ra. Riêng phần tôi thì trong lòng như lửa đốt, hết ngồi xuống rồi lại đứng lên, hết đi ra rồi lại đi vào mà mắt thì cứ nhìn ra cổng Dinh để xem có bóng dáng nào quen thuộc chăng? Đoạn đường từ Sa Đéc đến Cần Thơ, bình thường nếu dùng phương tiện riêng mà đi thì cũng phải mất hơn một tiếng đồng hồ, huống hồ mấy ngày nay Cộng quân đóng chốt ở Cái Vồn(Vĩnh Long) và ở khoảng Trà Nóc (Cần Thơ) với mục đích cắt đứt Quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ Cần Thơ- Long Xuyên, nếu gia đình tôi chọn đi ngã nào thì cũng đều bị kẹt cả. Mặc dù rất nôn nóng, nhưng tôi cũng không biết làm sao liên lạc với vợ con (vì thời bấy giờ làm gì có điện thoại cầm tay như ngày nay) tôi nghĩ nếu lúc đó Đại tá Diệp không chờ gia đình tôi thì tôi sẽ quyết định ra sao, có nên đi theo hay ở lại, nếu ở lại thì bây giờ có còn được ngồi viết bài này hay không? ( Ngành của chúng tôi rất "hân hạnh" được V.C. liệt vào hàng ác ôn và có nợ máu với nhân dân). Tuy nhiên cũng nhờ kéo dài thời gian chờ đợi cho nên có thêm một số các sĩ quan ở Quân Đoàn, mấy vị bên Tòa Án Quân Sự, quí vị ở Giám Sát Viện Cần Thơ v.v..cùng gia đình kéo đến để xin đi theo, càng lúc càng đông.
Trong lúc tôi còn đang ngồi đứng không yên, mặt mày thiểu não thì có vị nào đó (tôi không nhớ là ai) đến bảo với tôi là có điện thoại gọi, tôi vội vàng chạy đến cầm máy lên thì được một nhân viên thuộc cơ quan tôi báo tin là nhà tôi và 2 cháu đã đến và hiện đang ở tại văn phòng, tôi liền nhờ anh ta cho tài xế đưa dùm họ tới Dinh Tỉnh Trưởng ngay lập tức. Chỉ vài phút sau thì gia đình tôi tới Dinh, tôi đã ra đứng sẵn ngoài trước để đón, vợ tôi nước mắt đầm đià bước xuống xe, hai đứa con tôi được hai cô giúp việc bồng theo phiá sau, thật không có cảnh nào vui mừng bằng lúc này, tôi ôm vợ tôi mà không cầm được nước mắt và cũng vì mừng quá mà tôi quên lửng người tài xế và nhân viên đã có công đưa vợ con tôi tới đây( sau này khi lên tàu lấy lại được bình tĩnh tôi mới nhớ lại chuyện này). Tôi nghĩ là ơn trên còn thương gia đình chúng tôi cho nên mới được sum họp trước khi đi, theo tôi biết có rất nhiều người, trong đó có bạn bè tôi, gia đình ở tại địa phương mà khi đi cũng không kịp đem họ theo, có trường hợp xe chạy ngang nhà mà cũng không thể ghé rước vợ con được, còn tôi thì lại may mắn hơn vì trong lúc hỗn loạn như vậy mà chồng một nơi vợ con một ngả lại được gặp nhau; tôi cũng tin là do phước đức cũa mẹ tôi để lại, vì mẹ tôi gần như cả đời chỉ biết ăn chay, niệm Phật, làm việc thiện cho nên ngày nay tôi mới được hưởng.
Khi tôi đưa vợ con tôi vào bên trong thì tất cả mọi người đều lần lượt, kẻ xách người mang đồ đạc để ra phía cầu tàu, nằm sau dinh Tỉnh Trưởng, tôi còn nhớ lúc ấy nước ròng, khoảng cách từ mặt nước đến cầu tàu rất cao cho nên đàn bà và trẻ em rất khó mà leo xuống, chúng tôi phải tuần tự giúp đỡ thành phần này xuống tàu trước rồi mới đến bọn đàn ông chúng tôi. Vì số người quá đông (tôi không nhớ rõ là bao nhiêu) mà chỉ có ba chiếc giang đỉnh nhỏ cho nên chúng tôi phải ngồi thật là chật chội, khổ sở, tuy nhiên mọi người đề không quan tâm đến việc này, miễn đi thoát là được rồi. Sau khi tất cả mọi người xuống tàu xong thì tàu nhổ neo, đoàn tàu gồm có : 3 chiếc giang đỉnh của Tiểu Khu và 3 chiếc giang cảnh của Cảnh Sát, chúng tôi trực chỉ ra hướng biển theo đường sông Hậu giang, trên đường đi, chúng tôi có liên lạc với Thiếu Tá Th. Quận Trưởng Quận Phong Thuận (Phong Dinh) và ông này có ra đón chúng tôi khi chúng tôi đến lãnh thổ cũa ông ta. Thiếu Tá Th. là một trong những con gà nòi cũa Đại Tá Diệp đem theo từ Sa Đéc qua để làm Quận Trưởng Quận Phong Thuận (cũng như Thiếu Tá S. Quận Trưởng Thuận Nhơn), nói là gà nòi chứ thật sự mấy vị này qua Cần Thơ không phải để hưởng thụ mà được Đại Tá Diệp đưa đi trấn giử ở những nơi hiểm yếu trong tỉnh, cũng như Thiếu Tá S. ở quận Thuận Nhơn (Cần Thơ), một trong những quận hắc ám nhất, bị Cộng quân bao vây và tấn công làm cho ông ta bị thương mấy lần. Lúc bấy giờ Thiếu Tá Th. có trưng dụng được một chiếc tàu, nói là tàu cho nó oai chứ thật sự nó chỉ là chiếc đò máy dùng để đưa hành khách lên xuống hàng ngày từ Quận Phong Thuận (Cái côn) lên Thị xã Cần Thơ để mua bán mà thôi, ông tài công cho biết tàu cũa ông chỉ có khả năng đi trong sông rạch, chứ ra biển làm sao chịu nổi sóng to gió lớn, lúc đó chúng tôi đâu cần biết đi được hay không, cứ nghĩ là cứ việc ra đi rồi đến đâu hay đó.
Tất cả chúng tôi đều chuyển qua tàu lớn đó và tiếp tục cuộc hành trình ra biển, Thiếu Tá Th. và một Đại Úy (lâu quá tôi quên tên) Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Địa Phương Quân (TĐ 416/ĐPQ?) cùng một số quân nhân tình nguyện theo hộ tống đưa chúng tôi đi. Trên đường đi, chúng tôi thấy có nhiều đồn bót đóng dọc 2 bên bờ sông đã treo cờ MTGPMN nên chúng tôi tránh không đi gần, đến chiều tối chúng tôi mới ra đến cửa biển. Lúc còn ở xa xa chúng tôi thấy (qua ống nhòm) có hai chấm đen thật to nằm chắn ngang cửa sông Hậu giang nơi nối liền ra biển, vì Trời gần tối thấy không rõ,vả lại có người bàn là có thể Cộng quân chận đường nên chúng tôi cho tàu dừng lại để bàn phương kế, sau khi kiểm chứng lại, hai chấm đen đó không phải là tàu cũa Cộng quân nên chúng tôi tiếp tục lên đường. Trong lúc đó, một cảnh tượng thật cảm động làm cho tôi nhớ mãi cho đến ngày hôm nay, số là khi chúng tôi chuẩn bị ra khơi thì Thiếu Tá Th., Đại Úy TĐT/ĐPQ cùng một số quân nhân đã theo đưa chúng tôi tới đây (bằng những chiếc ca-nô nhỏ) đồng loạt đứng ở thế nghiêm chào tiễn biệt Đại Tá Diệp và cầu chúc mọi người lên đường bình an, tôi nhớ Đại Tá Diệp có hỏi Thiếu Tá Th. vậy chứ anh và mấy anh em trở về sẽ ra sao, tôi nghe Thiếu Tá Th. đáp lại là về rước gia đình và rút về vùng Hòa Hảo để ẩn náo rồi sẽ tính sau, tôi không rõ lúc này Thiếu Tá Th. sống ở đâu? Chuyến đi cũa chúng tôi cũng gian nan, khổ cực (nhưng có lẽ chưa bằng các chuyến đi sau này), mặc dù chúng tôi cũng thiếu thực phẩm, nước uống, bị tàu Cộng quân rượt đuổi khi qua địa phận Tỉnh Cà Mau, tàu bị mắc cạn, hư máy phải chuyển sang tàu khác (cũng là tàu hư), tàu bị vô nước chúng tôi phải thay phiên nhau dùng nón sắt để tát nước ngày đêm cho đến khi cặp bến ở Mã Lai, nhưng những chuyện đó không nằm trong bài này, nếu có dịp tôi xin thuật lại chuyến đi đầy gian nguy này trong dịp khác.
Tàu chúng tôi lênh đênh trên mặt biển hết mấy ngày, cũng nhờ Trời thương nên trong thời gian này biển lặng sóng êm cho nên chúng tôi đều được bình an, chúng tôi cũng không gặp hải tặc (không biết thời gian ấy đã có hải tặc chưa?), giả như lúc đó mà có gặp hải tặc thì bọn họ cũng khó mà yên thân với chúng tôi, vì chúng tôi đều có võ trang đầy đủ. Trong thời gian lênh đênh trên mặt biển, chúng tôi có bàn bạc với nhau là không biết nên qua Thái Lan hay đi Mã Lai, sau khi góp ý với nhau, chúng tôi quyết định đi Mã Lai và sau cùng chúng tôi đến được một hòn đảo nhỏ nằm về phía Bắc cũa Mã Lai, đảo này có tên là Pulau Perhentian Besut thuộc Bang Trengganu, đảo này là nơi nghỉ mát cũa vị Tiểu Vương vùng này nên không có ai ở, chỉ có một dinh thự to lớn nằm trên đồi cao và một vài căn nhà nhỏ phía dưới để lính canh ở mà thôi, lúc chúng tôi đến thì đảo này chưa có ai ở (sau này chiến sĩ Võ Đại Tôn cùng gia đình cũng đến đây).
Lúc chúng tôi đến gần đảo thì có tàu Cảnh Sát Mã Lai ra chận lại và yêu cầu chúng tôi giao nạp vũ khí cho họ, tất cả mọi người đều thi hành, riêng phần tôi, tôi chỉ giao nạp khẩu súng trường M18 ngắn nòng và khẩu súng lục hiệu Smith & Wesson, tôi cố ý dấu lại một khẩu súng lục loại rất nhỏ và gọn, chỉ dùng có một viên đạn loại 22 ly dài, súng này do một vị Dân biểu thuộc đơn vị Châu Đốc tặng cho tôi, tuy nhiên sau khi lên bờ được vài hôm, tôi thấy Cảnh Sát Mã Lai khám xét kỹ và làm dữ quá nên tôi lén (lại lén) đem liệng xuống biển, mặc dù đã vứt xuống biển nhưng vì nước trong quá cho nên vẫn nhìn thấy từ bên trên nên mấy ngày sau Cảnh Sát lặn xuống lượm lên, vì không biết khẩu súng đó là của ai thành ra tôi không bị rắc rối gì. Tưởng cũng nên nói thêm là ở Mã Lai họ xài loại vũ khí cũa nước Anh cho nên khi thấy vũ khí của chúng tôi họ thấy lạ và thích thú lắm, họ còn nhờ chúng tôi chỉ cách sử dụng nữa. Sau gần ba tháng ở trên đảo với Đại Tá Diệp (ở chung một lều), gia đình tôi được đi qua Mỹ trước (trại Fort Chaffee, Arkansas) còn gia đình Đại Tá Diệp sau đó đi Trại Penleton, California.
Lúc gia đình chúng tôi tới trại Fort Chaffee ( lúc ấy vào khoảng cuối tháng 7 năm 75 ), tôi có gặp lại một số bạn mà trước đây cũng ở Cần Thơ, khi gặp tôi họ ngạc nhiên hỏi: Ủa, nghe nói mầy đã chết rồi sao còn đến đây được? Tôi cũng ngạc nhiên không kém bèn hỏi lại nguyên do nào lại có cái tin động trời đó và sau khi nghe bạn tôi thuật lại, tôi mới được biết là sau khi chúng tôi rời Cần Thơ thì Thiếu Tướng, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 có đề cử Đại Tá Th. thay thế Đại Tá Diệp làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh/Cần Thơ, sau khi nhận chức, ông này có đưa ra lời kêu gọi gì đó trên Đài Phát Thanh Cần Thơ và cũng trong dịp này, Đài có loan một tin giựt gân (không biết do đâu mà có) là chiếc tàu chở chúng tôi đi trên sông Hậu giang đã bị bắn chìm chết hết, trong đó đã nêu đích danh Đại Tá Diệp và tôi. Cũng vì cái tin đồn quái ác này mà người anh ruột của tôi ( cố giáo sư Nguyễn Thành Trọng, San José) anh này đi từ Saigon qua Guam rồi đến thẳng Fort Chaffee, lúc ấy đang làm việc tình nguyện ở Sở di trú trại này, người đã có công tìm kiếm gia đình tôi ở tất cả các trại tị nạn trên đất Mỹ và có ý chần chờ không chịu xuất trại sớm mặc dù đã có người bảo trợ vì anh tôi tin chắc thế nào tôi cũng di tản được, nhưng khi nghe tin tôi và gia đình đã bị tử nạn trên đường đi thì anh ấy xin xuất trại về định cư ở Florida, anh ấy vừa đi buổi sáng thì gia đình tôi đến trại vào buổi chiều cùng ngày nên anh em không gặp được nhau, khi đến trại thì thấy tên tôi còn dán đầy trên tường, sau này khi nhận được thư tôi viết từ trại Fort Chaffee anh ấy cũng ngạc nhiên không kém vì cứ đinh ninh là tôi đã về chầu Hà Bá rồi còn đâu.
Tôi tuy làm việc tại Tiểu Khu Phong Dinh và Tỉnh Cần Thơ nhưng không thuộc quân số hay quản trị bởi cơ quan này, tuy nhiên Đại Tá Diệp đối với tôi lúc nào cũng như bát nước đầy, nội việc xảy ra buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 75, trong lúc dầu sôi lửa bỏng như vậy mà Đại Tá Diệp vẫn cứ chờ cho đến khi nào gia đình tôi đến đầy đủ rồi mới chịu ra đi, như thế cũng đủ để chứng minh lời tôi nói ở trên. Khi qua Mỹ, mặc dù chúng tôi cùng ở chung Tiểu Bang California, người ở miền Bắc kẻ ở miền Nam, nhưng 25 năm nay chúng tôi cũng ít có dịp gặp nhau, nếu có thì cũng thật là ngắn ngủi, phần nhiều chỉ thăm hỏi nhau qua điện thoại mà thôi. Cho mải đến tháng 4 vừa qua nhân dịp tôi đi San Diego về có ghé quận Cam để thăm gia đình ông mà không báo trước, gặp lại nhau bất ngờ sau bao năm xa cách chúng tôi rất đổi vui mừng, con cái của ông lúc ở trại tị nạn Mã Lai hãy còn nhỏ xíu, có đứa vừa mới chập chững, có đứa mới sanh thế mà giờ này đứa nào cũng thành tài cả. Mặc dù hôm đó là ngày làm việc, nhưng Đại Tá Diệp cũng kêu gọi được một số anh em bạn cũ ở Sa Đéc và Cần Thơ, có người trên 25 năm nay tôi chưa có dịp gặp lại, thôi thì tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự, mặc sức ôn lại chuyện xưa tích củ, đượm tình huynh đệ chi binh, chúng tôi người nào người nấy trên đầu cũng hai ba thứ tóc, mặt mày nhăn nheo không còn cái vẻ "oai phong lẩm liệt" như thuở nào nhưng câu chuyện vẩn cứ nổ như bắp rang. Có người còn gọi đùa buổi gặp mặt hôm đó là buổi họp Tham Mưu nhẹ cũa Tiểu Khu vì nó cũng gần đầy đủ Tiểu Khu Trưởng, Tiểu Khu Phó, Tham Mưu Trưởng và một số Phòng, Ban trực thuộc. Đại Tá Diệp độ này cũng lớn tuổi và có phần yếu đuối, tuy nhiên ông cũng đã theo anh em chúng tôi cả ngày từ sáng cho đến tối mà không biết mệt, có lẽ vì vui quá chăng.
Sở dĩ tôi phải dài giòng kể lại gần như đầy đủ chi tiết những sự việc đã xảy ra trong buổi sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 là muốn chứng minh lời tôi thuật lại đúng sự thật và xác nhận :
Đại Tá Diệp, Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng TK Phong Dinh/Cần Thơ không có rời CầnThơ trong đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 75 với đoàn tàu của Hải Quân Vùng 4 như tác giả Huỳnh Trung N. đã viết, Đại Tá Diệp và đoàn tháp tùng chỉ rời Cần Thơ vào buổi trưa ngày 30 tháng 4 Năm 1975 và sau đó mới có việc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 4 cử Đại Tá Th. đến thay thế chức vụ Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh/Cần Thơ.
Trân trọng kính chào ông chủ nhiệm.
Nguyễn Thanh Tâm
Ty ANQĐ/Phong Dinh/Cần Thơ
No comments:
Post a Comment