“Các anh là thứ dòi bọ, là những con lợn chụm đầu vào máng tranh ăn, khi ngẩng lên thì lưỡi dao đã kề vào cổ”.Không phải riêng một ai, mà với tất cả quân cán chính và hàng triệu người dân miền Nam khó có thể trong đời quên được chuỗi ngày biến động cuối tháng Tư 1975.
Trong tôi chất chứa cả một “ao tù, nước đọng”, khi nào cũng như muốn được khơi giòng cho vơi cạn, một lần với mọi người, từ những chuyện nhỏ tới những chuyện “đại sự ” liên quan đến mệnh hệ chung; cũng là một chuỗi đan kết liên lụy cả một đời người. Tôi đã lăn lóc từ hết ngõ ngách này đến ngõ ngách khác của cuộc sống, đủ mùi vị đắng cay, ngọt bùi; gian lao, hạnh phúc…. Cứ mỗi đoạn đời qua đi là một dấu mốc dĩ vãng in hằn những vết tích trong tâm não. Và cứ mỗi lần đến một chu kỳ thời gian nào đó của mỗi dấu mốc thời gian và sự kiện là trí não lại dội ngược trở về với những tai ách mà người dân nuớc tôi đã gánh chịu suốt gần một thế kỷ vừa qua.
Một trong những tai ách trong đời, một tai ách làm rung chuyển đến chín tầng thiên địa, làm héo rũ trái tim, đã ập xuống trên vận mệnh của cả hàng chục triệu con người, mà nếu không chết đi thì ám ảnh đó sẽ khó mà nhạt mờ trong tâm trí.
Từ ngày thoát ra khỏi vũng tối u trầm của quá khứ, tất cả những cảnh tượng hãi hùng kinh khiếp ấy như cứ mãi bám lấy con người tôi từng mỗi phút giờ khi ăn, ngủ, làm việc, nghỉ ngơi, ngay cả khi tôi ngồi đơn lẻ ở một nơi nào đó, cũng lẩm nhẩm một mình… hay khi trò chuyện với người khác; nhắc lại, kể lại với bằng hữu, với thân thuộc, với con cháu, với những người vẫn muốn được nghe lại, được nhắc lại, được ghi chép lại cho hôm nay, cho mai sau.
Bà chị dâu tôi trước đây vẫn thường lên tiếng như trách ông anh tôi: “Chuyện tù đày, chết chóc ấy có hay ho chi mà cứ nhắc lại, kể lại hoài… ”. Nhưng nhờ “nhắc lại, kể lại” mà các con của anh chị tôi đã biết được và không quên bố của các cháu bị bất ngờ, nghe đọc lệnh bắt giam giữa lớp học của “thiên đường XHCN”, ngỡ ngàng bỏ trường lớp, bỏ học trò vào trại tù tập trung cải tạo.
Hầu như tất cả những gia đình Việt Nam từ Nam chí Bắc không ai là không nạn nhân; Và ít ai thoát khỏi hệ lụy chính trị bởi bàn tay đồ đệ Mác Xít, ngay cả bí thư của ông HCM.
Biến cố 30 tháng Tư là dấu ấn lịch sử đen tối của dân tộc. Và ngày đó lịch sử không quên, mọi người Việt Nam không quên, anh chị không quên. Nếu anh chị không còn, con cháu anh chị sẽ nhắc lại những gì mà chúng được biết, được nghe, được đọc, bởi anh chị cũng như tôi là nhân chứng thời cuộc, đã ngụp lặn trong đó, đã từng chết lên sống xuống, từng lê lết đi khắp ba miền đất nước, xuống Nam ngược Bắc, vượt biển, vượt rừng, trốn chạy con người, rời bỏ đất nước, để rồi khi đó nhìn lại quê hương, đồng bào chỉ thấy khổ đau và bội bạc. Trong lịch sử cổ kim, có đất nước nào, đồng bào nào như lịch sử VN dưới bàn tay cuồng bạo của người Cộng sản?
Đầu năm 1957 tôi đã từng vượt thoát ra khỏi biên cương tổ quốc để được che chở đùm bọc, tránh đại nạn thanh trừng giai cấp… tôi đã đi khỏi chốn thôn quê nghèo nàn tăm tối, nồng nặc oán thù đến nơi thành thị phố xá đất khách quê người; Tôi từng học hành bay nhảy nơi thành phố, xã hội, cộng đồng an vui… rồi một sáng thức dậy hứng chịu cuộc đổi đời tăm tối. Từ ấm no, tự do sung túc đến đói nghèo, cơ cực, xiềng xích tù đày.
Mười giờ sáng ngày 30 tháng Tư bảy mươi lăm lịch sử sang trang. Nhưng hai ngày trước đó, ngày 28 và 29 tôi có những ký ức khó quên. Tôi cảm nhận ngày 28 tháng Tư là ngày cáo chung của thể chế dân chủ miền Nam qua hai chế độ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Tôi cùng hàng triệu người đã “đánh mất” một vùng trời đất nước chọn làm chốn dung thân. Tôi rời bỏ nơi đó vào giây phút cuối cùng của ngày định mệnh trong tiếng thở dài, không nghĩ đến thù hằn, oán hận. Tôi đè nén hết mọi thành kiến ưu tư đổ vào mệnh nước.
Trong suốt mười lăm năm hít thở không khí tự do, trong lành của xã hội miền Nam, đến buổi chiều ngày 28 tháng tư tôi đành bỏ lại phía sau quãng đời rộn rã và một khoảng trời xanh ngút mắt. Tôi đã viết ra tâm sự tôi úc đó: “Ngày ta rời trận đồ/ ngả đời đêm hoang vắng/ sơn hà nhuốm tóc tang/ chiến công rời súng đạn/ … Ta quay gót cúi đầu/ trả lại đời tiếng gọi/ giữa vô vàn thương đau/ người bặt câm tiếng nói… (Ngày Xóa Trận đồ, THCM, Cội Nguồn 1996, tái bản 2002)
1 giờ chiều ngày 28 tháng Tư cả bầu trời Sài Gòn đen kịt, rồi mưa như trút. Hòa nhịp với trận mưa ngoài trời là không khí ngột ngạt tức tưởi bên trong Hội Trường Diên Hồng, nơi đang diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực. Những bài diễn văn hôm đó cũng chính là những bài điếu văn tiễn biệt một chế độ đã tồn tại suốt 20 năm với đủ những buồn vui, hạnh phúc, xứng đáng để một nửa đất nước chiến đấu bảo vệ.
Chiều hôm đó tôi đến phòng làm việc, khi trận mưa bắt đầu; và tôi ra về khi mưa vừa nhẹ hạt. Toi6 đuợc giao thu lại hai bài diễn văn, một của Tổng Thống Trần Văn Hương, một của Tướng Dương Văn Minh. Đến giữa bài diễn văn thứ hai, tôi đứng lên, bỏ công việc đó cho người phụ tá giám đốc, cặp mắt tôi cay xè, trí não gần như tê điếng, tôi ra sân lái xe về nhà. Về tới ngõ, đúng vào lúc viên phi công phản tặc Nguyễn thành Trung ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. Mấy nguời hàng xóm ra sân la lớn “Nguyễn Cao Kỳ đảo chính”! Tôi mở cửa xe, vội vã lên sân thượng nhìn theo cho đến khi chiếc máy bay A37 khuất hút. Tôi bước vào phòng ngả lưng nằm xuống chiếc ghế đan. Cả thân người mềm nhũn.
Suốt đêm 28 tôi chỉ chợp mắt được vài ba lần. Tiếng đạn pháo và hỏa tiễn bốn bề rót vào ngoại ô Sài Gòn réo lên từng đợt như xé tâm can. Tôi ngồi dậy mở đèn sáng để bớt đi cái cảm giác ghê rợn, cảnh những xác người giẫy giụa, những thịt nát xương tan, những khu nhà cháy rực, những tiếng kêu gào thảm thiết, những máu và nước mắt…
Sáng 29 tháng Tư, cũng như những ngày khác trong 5 năm trước đó, tôi vẫn ngày hai buổi đi về trên những con đường thân thuộc từ nhà tới cơ quan, nơi đặt tổng hành dinh tình báo chiến lược của miền Nam Việt Nam. 7gờ 30 sáng mỗi trạm gác trên đường Cường Để và cạnh Công Trường Mê Linh, bến Bạch Đằng vẫn có nhân viên an ninh sắc phục canh gác. Tôi lái chiếc xe du lịch rời nhà đến sở với tâm trạng thật bình thản như những ngày thường nhật đi về. Đến đường Cường Để, tôi giảm tốc độ, chìa tấm thẻ an ninh với người lính gác, nở nụ cười chào hỏi quen thân. Người lính gác đưa tay chào. Một cái vẫy tay, chiếc xe lăn chậm. Cửa kính đã quay xuống. Gió buổi sáng trên sông Sài Gòn thổi hắt vào xe một cảm giác dễ chịu. Tôi nghe lòng thanh thản hơn. Chiếc xe dừng lại trước cổng cơ quan, một nhân viên trong toán an ninh cơ sở có mái tóc quăn dúm, người cao to bước ra mở cửa. Hai cánh cửa sắt như hai cánh bướm khổng lồ xòe rộng. Tôi nhìn vào phía trong, một không khí vắng lặng khác hẳn với những thường ngày trước đó. Nhân viên an ninh hỏi tôi: “Hôm nay ông đến sớm” thay lời chào. Tôi đáp lại: “Sớm hơn một tý”. Đi thêm một đoạn đường chừng hai trăm thước, tôi đậu xe phía sau hông tòa nhà ba tầng lầu, nơi tôi làm việc. Tòa nhà lầu này nghe nói được xây dựng từ thời Tây thực dân, đã già hơn trăm tuổi. Tầng thứ ba là nơi làm việc của vị Tướng, Trưởng cơ quan và các phụ tá. Tầng thứ hai dành cho Nha Kế hoạch và lầu trệt là nơi làm việc của Sở An ninh Nội Chính, bí số A10.
Tôi làm việc tại tầng lầu dưới cùng này. Cửa văn phòng khép hờ, người trực ca đêm đang nằm trên chiếc ghế bố thấy tôi vào, ngồi bật dậy, thả tờ báo đang cầm trên tay xuống bàn và cho tôi biết đêm qua có mấy gia đình dưới khu Câu Lạc Bộ kéo lên xin ngủ nhờ để tránh pháo kích. Không ai dám cho đám người tránh nạn vào phòng làm việc của cơ quan, dù họ là thân nhân, gia đình nhân viên nội trú. Không ai được vào ngủ trong phòng. Họ nằm chật cả hành lang. Đàn bà và trẻ em. Một trái hỏa tiễn pháo kích rơi cạnh nhà máy phát điện của cơ quan, không gây thiệt hại nào, nhưng tổn thất rất lớn về mặt tâm lý.
Nhân viên trực về rồi, tôi thấy căn phòng quen thuộc lâu nay như trống rỗng, như bớt phần thân thiết.
Cả toàn bộ khu vực cơ quan còn vắng lặng. Tất cả hoàn toàn yên tĩnh. Tôi mở tủ sắt đọc một trong những bản danh mục hồ sơ lưu trữ. Nhiều ngăn tủ đã trống rỗng sau khi hàng chồng hồ sơ tối mật tôi đã nhận chỉ thị thiêu hủy vào một đêm khuya, mấy ngày trước đó. 8 giờ sáng, nhìn ra ngoài tôi thấy đã có mấy chiếc xe gắn máy, vài chiếc Vespa đậu sát hành lang của những tòa nhà nơi họ làm việc. 9 giờ xe của Trưởng cơ quan đã đậu ở sân sau. 10 giờ tôi và một số người khác được gọi lên trình diện “Ông phụ tá”. Mọi người trong cơ quan vẫn quen gọi ông là “Ông Phụ tá”, mặc dù lúc đó ông đã là Trưởng cơ quan, không còn là phụ tá Kế hoạch của vị tướng tiền nhiệm nữa. Vị tướng – nghe nói đã cùng gia đình rời khỏi nước trước đó mấy ngày. Ông Phụ tá là một Đốc Sự Hành Chánh Thượng hạng Ngoại hạng, ngạch hành chánh cao nhất của công chức miền Nam. Ông cũng là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tử Vi Hàm Số”.
Vẫn với cung cách đơn sơ, gần gũi với thuộc cấp, ông cho biết cơ quan đã cử hai giới chức cao cấp sang tiếp xúc với tòa Đại sứ Mỹ để thu xếp cho kế hoạch di tản như đã trù liệu và đã được các cố vấn Mỹ đảm bảo từ mấy tháng trước.. Ông chỉ thị những người có mặt về phòng trấn an nhân viên chờ đợi kết quả từ sứ quán Hoa Kỳ. Nhân viên các phòng chỉ lưa thưa mấy người. Số đông không đến nhiệm sở.
Tôi trở về phòng, lẩn quẩn với đủ điều suy nghĩ. Một vài nhân viên ghé vào xin phép tôi được nghỉ để thu xếp việc nhà. Ông trưởng Ban, Phó Ban, không có mặt. Một vài người gọi điện thoại vào hỏi “có gì lạ không”?
Tôi kê chiếc ghế bố nằm đọc báo, nghe radio, chờ đợi, không biết là đang chờ đợi cái gì.
Thời gian vẫn là những khoảnh khắc tiếp nối trôi qua thản nhiên bình lặng như thể tính vật lý của nó, nhưng hơn tám tiếng đồng hồ hôm đó, một khối nặng tâm lý đè lên, trì kéo, để cũng chỉ tám tiếng đồng hồ như hôm qua, hôm trước trở nên nặng trịch, kéo lê trong não trạng con người.
Sau 4 giờ chiều, Ông Phụ Tá, quyền Trưởng cơ quan từ trên lầu đi xuống. Ông vừa bước ra sân, các nhân viên thuộc cấp của ông, trong số có tôi, chạy đến xúm vây quanh ông, như những nạn nhân đang trôi nổi giữa dòng bám vào chiếc thuyền mong cứu hộ.
Với khuôn mặt hiền từ, nhã nhặn cố hữu, ông nói với khoảng hơn chục người bu quanh ông:
“Ông Tm và Đại tá Tn được cử sang Tòa Đại Sứ Mỹ thu xếp cho cuộc di tản của chúng ta đã lên máy bay đi rồi. Thôi, các anh về đi, mỗi người tự thu xếp, lo cho gia đình. Tôi cũng như các anh”.
Vài anh em nhìn ông tỏ vẻ không tin: “Ông Phụ Tá có thông hành rồi phải không? Còn chúng tôi làm sao mà tự lo liệu được”. Một anh khác chen vào: “thì cùng nằm bên nhau trong đống xương vô định”.
Không còn gì nữa để nói, vài câu chuyện như nói lên lời an ủi, nói lên điều âu lo, tất cả nhìn lại từng dãy nhà, từng phòng làm việc, như quyến luyến giã từ một nơi chốn thân yêu trước khi từ giã nhau, vội vã ra về. Mạnh ai nấy lo.
Sau khi vào trại Long Thành, tôi gặp lại ông Phụ Tá nhiều lần trong sáu tháng đầu chung trại. Ông Phụ Tá đã chết trong một trại tù cải tạo ngoài miền Bắc của ba miền ruột thịt.
BÀI HỌC ĐỔI ĐỜI
Tôi dạy học ở trường Trung Học Phan Sào Nam Sài Gòn từ năm 1966 đến năm 1975, trừ một niên khóa gián đoạn khi tôi vào quân trường Thủ Đức. Vài tuần lễ sau khi cộng sản tiếp thu Sài Gòn, “mùi vị” tôi nếm thử đầu tiên trong cuộc đổi đời ấy là khi tôi tham dự buổi họp bàn giao cơ sở Trường Trung Học Phan Sào Nam Sài Gòn cho “Sở Giáo Dục và Hội Nhà Giáo Yêu Nước” thành phố. Buổi họp, phía “bị cáo” gồm Ban Giám Đốc với Nghị Sĩ Thái Lăng Nghiêm (Hiệu Trưởng), các ông Phạm Thanh Giang (Giám đốc), Phạm Chí Chính (Giám Học), Đỗ Văn Khuôn (Tổng Giám Thị). Một số giáo sư cùng các giám thị, nhân viên văn phòng và lao công… tôi không nhớ hết tên. Hôm đó vắng mặt hai người trong Ban Giám đốc, GS. Đào Văn Dương, người phụ trách tài chánh, mà chúng tôi gặp ông hàng tháng để lãnh lương; và ông Phó Tổng Giám thị Sầm Quang Linh. Thật là một thích thú, tình cờ mới đây tôi biết cụ Sầm Q. Linh là nhạc phụ của anh Thân Trọng Nhân, Nguyên Chủ tịch Hội Ái Hữu cựu SV Hạn Hạnh. Anh cũng có dạy ở Phan Sào Nam.
Trở lại buổi trình diện và bàn giao trường ốc cho “Hội Nhà giáo yêu nước”, mặc dù tôi đã từng chứng kiến những màn con đấu cha, vợ tố chồng, học trò trấn áp thầy giáo “phản động” trong thời kỳ Cải cách Ruộng đất, nhưng sau hai mươi năm thoát khỏi cõi trầm luân có thực ấy, tôi đã bàng hoàng đến ớn lạnh khi nhìn tận mắt, nghe tận tai lời tố cáo bịa đặt độc ác đã được nhồi nhét vào những tâm hồn trong trắng, ngay tại một phòng học mà chỉ mới mấy tuần lễ trước đó đạo đức, lễ giáo học đường từ xa xưa vẫn còn là đường cân nẩy mực của xã hội miền Nam. Tôi rùng mình, đầu óc qay cuồng với những màn đấu tố rùng rợn mà thời niên thiếu tôi vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân.
Hai học sinh lớp 11, vẫn với nét mặt non choẹt, trong bộ đồng phục học sinh, áo sơ mi trắng, quần xanh blue thay phiên nhau lên tiếng tố cáo Ban Giám Hiệu và các thầy cô là tay sai của Mỹ Ngụy, bóc lột nhân dân qua hình thức thu học phí làm giàu trên công sức của người nghèo! Mọi người, trong đó có những thầy giáo mới vài tuần trước đó đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức và lời hay ý đẹp cho những đứa học sinh này.
Một giờ chiều, cuộc “bàn giao” chấm dứt với sự “thỏa thuận” kết cuộc của ban Giám Đốc nhà trường ký biên bản “tặng” toàn bộ cơ sở trường ốc cho hội Nhà Giáo Yêu Nước. Ông giám đốc (chủ trường) và vợ con được phép ở lại một phòng trên lầu thứ tư, nơi mà gia đình ông đã ở và có sổ Gia đình từ nhiều năm trước.
Tôi nhận mảnh giấy chứng nhận “Đã Trình Diện” do ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tâm tức NS Thái Lăng Nghiêm ký rồi ra về mang theo tâm trạng rã rời cho đến ngày trình diện vào tù.
Mười giờ sáng ngày 12 tháng 6 -1975 tôi khăn gói đến trường Chu Văn An, đóng 13.500$ tiền VNCH, theo thông cáo “học tập” trong một tháng. Vừa bước vào phòng “tiếp quản”, tôi gặp hai cậu học trò cũ cũng tại trường Phan Sao Nam làm nhiệm vụ kiểm tra hành trang của người trình diện. Hai em học sinh ấy thấy tôi, tiến lại và lên tiếng: “Thầy cũng đi vào đây à? Thầy cho chúng em kiểm soát”. Tôi chỉ kịp nói – “Vâng”. Hai kiểm soát viên liền kéo fermeture túi xách của tôi, lôi ra vài bộ đồ lót và đồ ngủ, bàn chải, kem đánh răng… Tôi chỉ mặc một chemise, quần tây trên người. Sau khi xét xong hành lý, tôi giơ hai tay lên để các em kiểm soát thân thể. Xong “cửa ải” thứ nhất này tôi vào phía trong, nơi kê mấy dãy bàn, có nhiều cán binh mặc đồ bộ đội thu tiền và dẫn tôi vào phòng đã có nhiều người ở đó.
Trong hai ngày tại đây các bữa ăn trưa và chiều do nhà hàng Bách Hỷ, đường Tổng Đốc Phương, Chợ Lớn chở xe van đến. Bữa ăn có nhiều món thịnh soạn gần như tiệc cưới. Ba ngày sau lệnh trình diện, gần nửa đêm 16 tháng 6 mọi người bị đánh thức dậy, đem hết xách gói ra sân tập họp chờ xe di chuyển. Đi về đâu? Là câu hỏi lúc bấy giờ mọi người thầm thì bàn tán. Chỉ có trời biết. Chúng tôi nằm nhoài giữa sân hứng sương đêm cho tới sau 5giờ sáng mới có xe tới chở đi. Đến làng cô Nhi Long Thành khi trời còn tờ mờ, sương mù đen kịt. Mọi người được đổ xuống. Chỗ ở đã được quy định theo ban ngành. Có 5 khu, họ gọi là 5 khối. Chúng tôi gọi đùa là năm vùng chiến thuật. Khối I thuộc các quan chức hành chánh. Khối II dành cho các “bô lão” đảng phái. Khối 3 nơi hội tụ của các giới chức an ninh tình báo mà lúc ngoài đời ít có dịp gặp nhau; hoặc giả nếu có gặp, thậm chí quen thân cũng không biết “nghề nghiệp” của mỗi người, không biết gốc gác của nhau. Khối IV là nơi họp mặt của các quan Cảnh Sát từ cấp Tá trở lên; và khối V là khu biệt lập dành cho phái Nga Mi, trong đó có nàng Nguyễn Thị Thanh Thủy/ Đại Úy Cảnh Sát Đặc Biệt, “Chỉ Huy Trưởng” Đội Thiên Nga, Nàng Đỗ Thị Đẹp/ Trung Ương Tình Báo, nhân viên phát hành của Paris By Night mà mấy năm trước bị đả đảo ào ào vì vụ ‘lúa đỏ”. Một nàng khác tôi được nhiều bạn tù quả quyết là người đẹp Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn. Không biết thật hay giả, hay do nàng có tên là Diễm nên được “huyền thoại hóa”?
Cũng có một số nữ Sinh viên, nữ công chức trẻ, là những bóng hồng ít nhiều đã đem lại chút tươi mát giữa những khô khan đặc quánh của tình cảm yêu thương bởi sự cấm đoán và ly cách. Có một cô Sinh viên Văn Khoa thuở đó đem tuổi trẻ và nhiệt huyết cống hiến cho lý tưởng mà cô theo đuổi đến tận bây giờ nên cũng có mặt trong đám “Nga Mi”. Hiện “nàng” đang là một cây viết cộng tác với tạp chí Nguồn.
Ngày đầu tiên tại Long Thành từ lúc tờ mờ sáng đến chiều tối không có bóng dáng một bộ đội, công an nào. Mọi “học viên” thoải mái với nhau, và cũng không cơm, không nước, cho tới khi mặt trời gần tắt, choạng vạng tối mới thấy người ta đẩy vào mỗi dãy nhà (trên 70 người) một cái thùng nhựa đựng cơm, cỡ thùng rác 32 galon. Dù đã nhịn ăn trên 24 giờ đồng hồ, tôi cũng không buồn chen lấn để lấy một chén cơm đầy sạn, thóc. Nhiều người bỏ cơm đi tìm thùng nước trong cơn khát đã gần lả người.
Màn đêm phủ trùm, cả ngọn đồi chìm trong bóng đen tĩnh mịch, tiếng dế rả rích, âm thanh nhiều loại côn trùng như một hợp khúc réo rắt xoáy vào tâm trạng mỗi con người đang thả bao nhiêu suy nghĩ về cha mẹ, vợ con, gia đình; ưu tư trôi đi trăm chiều vạn hướng. Nếu nhìn thấy, chắc chắn trên mỗi khuôn mặt mỗi người lúc ấy hiện rõ nét đăm chiêu, khắc khổ. “Chân lý cách mạng” mà ngày nào Tố Hữu thấy bừng lên danh vọng của ông ta thì giờ ấy như những tia chớp hãi hùng đang lóe lên trong cơn bão đời của hàng chục, hàng trăm ngàn người bất hạnh.
Rồi từng ngày, từng tuần lễ, từng tháng trôi đi trong tâm trạng nặng nề của mỗi người. Không ai giống ai. Lớp người có tuổi, phần đông thuộc các đảng phái, thành phần Bắc di cư họ có thừa kinh nghiệm về sự tráo trở lật lọng trong ngôn từ, chữ nghĩa và mưu mẹo, xảo thuật của “người anh em” nên ngay từ đầu họ an tâm “học tập”. Các bác, các cụ bắt đầu xới đất trồng rau, trồng ớt, trồng khoai lang. Những người khác thấy vậy la lên “Ông trồng cho ai ăn đó”? Lớp trẻ và đa số dân “Nam Kỳ quốc” chưa biết mô tê gì về cộng sản nên lúc ngoài đời xuề xòa dễ dãi. Gia đình bên cạnh có con em đi tập kết, chạy ra bưng biền, kệ nó. Ta cứ ngày hai buổi đi ăn đi làm. Khi “Cách mạng” từ rừng rú về thành, đám con em họ về theo dẫn thêm mấy đồng chí đi lùng sục từng nhà “ngụy quân, ngụy quyền ác ôn” đem giao cho cách mạng xử lý. Khi vào trại “học tập” họ cứ tin răm rắp một tháng là về nhà. Có anh dự tính cưới vợ làm ăn, có anh quyết định đổi nghề về hưởng thú đồng quê làm ruộng, đào ao nuôi cá. Từng ngày từng giờ cứ mong được “lên lớp” được học tập sớm thấm nhuần “chính sách khoan hồng” của cách mạng.
Ngày tháng cứ trôi đi, cổ cứ dài ra vì trông ngóng, mỗi người chỉ còn lại một cái quần xà lỏn che vùng ngã ba, với chiếc áo may-ô đã te tua, lem luốc. Ban đêm mặc bộ đồ ngủ, ban ngày xà lỏn may-ô. Nhà mái tôn nằm phơi trên ngọn đồi nắng quanh năm, nóng như lửa. Thế là chỉ mấy tháng nhờ cách mạng, mọi lớp vỏ bên ngoài ở mỗi con người cùng một giai tầng xã hội, dù chênh lệch chức tước, địa vị giàu nghèo có khác, đã được lột bỏ đi, để trơ ra cái/ nơi che giấu. Lúc này nhân cách con người bắt đầu hiện lộ.
Thời gian cứ nặng nề trôi đi. Lòng người như những đám mây chở nặng nỗi niềm chung riêng trĩu nặng, lửng lơ giữa bầu trời xám xịt. Với “cách mạng” còn năm dài tháng rộng, cứ nhẩn nha. Cái mẻ lưới quyết định đã kết quả mỹ mãn, hốt trọn được toàn bộ đầu não một guồng máy chính quyền gom vào rọ. Cứ thả lỏng cho “chúng” để tránh có phản ứng rắc rối; cũng để thời gian nguôi ngoai, dùng sức ép nhè nhẹ, từ từ trước sau cũng sẽ đến đó.
Kinh nghiệm chính sách tập trung tiêu diệt người Do Thái của Đức Quốc Xã cho thấy kết quả nhanh gọn đấy nhưng nó kinh khủng quá, dễ đánh động lương tâm con người. Ở đây chỉ “tập trung cải tạo”, không có lò sát sinh, không có phòng hơi ngạt, không bỏ đói đến chết sắp chồng lên nhau. Phải để “chúng” chết dần chết mòn, hãy để “chúng” cạn kiệt thể xác để chúng bán linh hồn.
Từ ngày gom về để đó, vài ba tháng sau mới làm danh sách, khai báo qua loa. Sáu bảy tháng sau “học tập” chiếu lệ. Các buổi “học tập thảo luận, “thu hoạch” từng tổ, từng nhóm, từng đội nhằm trắc nghiệm tư tưởng từng người, kết quả tốt. Mọi ý kiến đều hoan hô cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào chính sách của đảng và nhà nước. Một anh chung phòng chung đội với tôi, tên Lê Hữu Lợi tuyên bố công khai trước mọi nguời trong buổi học tập rằng anh ta là một “đầu mối” (nằm vùng) của cách mạng. Chính sách của cách mạng là như thế này, thế này… các anh phải thế nọ, thế kia… Nhưng khi biên chế ra Bắc anh có tên trong danh sách hàng đầu, đi mút mùa tới mãi Hoàng Liên Sơn.
Trước khi có những đợt khai báo, thỉnh thoảng lại có một đợt thả về. Lúc năm bảy người; có đợt vài ba chục. Một số háo hức, nôn nóng đợi chờ, tràn trề hy vọng. Những người hiểu chuyện cứ tỉnh bơ, “an tâm tin tưởng” chờ năm bảy năm, hay một hai chục năm, lấy trường hợp một tướng Quốc Dân Đảng Trung Hoa bị Trung Cộng giam mới được thả sau 26 năm đúng vào lúc hàng ngàn “Quốc Dân Đảng” VN mới nhập trại giam Việt Cộng ra làm niềm tin.
Trong số những người được thả, có người biết trước, có người khi được gọi tên mới biết mình đến số thoát cõi trầm luân, nhưng không biết do đâu. Phần đông những người được thả sớm từ trại Long Thành đều có một “dây mơ rễ má” nào đó. Người nằm bên cạnh tôi, anh Phan Khắc Thụy. được về sau hơn hai tháng là cháu ruột của Linh mục hốt rác Phan Khắc Từ. “Linh mục hốt rác” là hỗn danh do báo chí Sài Gòn trước 75 đặt cho ông cha này vì ông nhân danh “giai cấp công nhân hốt rác hợp sức cùng các linh mục Trương Bá Cần (tên thật Trần Bá Cương), LM Nguyễn Ngọc Lan (về sau đã cởi áo dòng, cưới vợ), và LM Chân Tín quậy phá náo loạn, làm mất thế ổn định chính trị và xã hội mấy năm ở Sài gòn.
Chu Tam Cường là Giám Đốc Gia Cư Liêm Giá Cuộc tại đường Trương Công Định, Quận Ba (Sau 75 đổi tên là Sở Nhà Đất), Cường trình diện nhập ngũ cùng khóa với tôi ở Quang Trung. Đương sự được trở về nhiệm sở sau 9 tuần thụ huấn quân sự. Vào Long Thành bảy tuần lễ sau có danh sách gọi tên ra trại. Hỏi ra mới biết là được tướng Chu Huy Mân từ ngoài Bắc bảo lãnh. Nguyễn Đức Ninh người chung phòng với tôi, cho biết anh ta có người bà con làm lớn từ Hà Nội vào công tác, bảo lãnh, được về sau bảy tuần lễ.
Cao Long Thọ. một sĩ quan cấp úy gốc tình báo, làm việc tại Bộ TL/CSQG, được về trong đợt đầu. Trường hợp của Cao Long Thọ đúng là “Tái ông thất mã”. Thọ và tôi vừa đi làm vừa đi dạy học. Chúng tôi thường gặp nhau ở những lớp đêm dạy luyện thi và một số giờ ban ngày ở trường Phan Sào Nam, có tình thân thiết. Thọ ra tay “nghĩa hiệp” ký tên bảo lãnh cho một sĩ quan cấp tá VC bị bắt, xin cải ngạch hồi chánh. Quy chế lúc bấy giờ ấn định một sĩ quan VC bị bắt muốn được hưởng quy chế hồi chánh để cộng tác làm việc hoặc được trở về nguyên quán làm ăn phải có ba người ký giấy bảo lãnh, hai người phải là sĩ quan quân đội hoặc Cảnh Sát. Một hôm tôi gặp Thọ tại trường, nét mặt anh buồn và lo lắng, nói với tôi: “Thằng VC tôi bảo lãnh cho nó, nó đã bỏ trốn vào bưng rồi. Không biết tôi sẽ lãnh cái gì đây”? Thọ Mang tâm trạng lo âu hồi hộp ấy cho tới ngày “rã ngũ”, chúng tôi gặp lại nhau tại Long Thành. Vài ba tháng sau Thọ được hồi chánh viên trước kia đón về trả cho gia đình. Năm 1985, tôi ra tù về Sài Gón gặp Thọ trên đường Võ Tánh, khu Ủy Hội Quốc Tế cũ. Tôi ngạc nhiên hỏi: - Sao không dzọt đi mà còn ở đây? Làm ăn cái gì? Anh ta than không vượt biên được và cũng chẳng làm được cái gì.
Sống lây lất, khó khăn. Sau ngày có chương trình HO tôi lại gặp Th. Lúc này anh ta tỏ ra đau khổ hơn vì không có tiền vượt biên, không đủ tiêu chuẩn (trên 3 năm cải tạo) để đi HO giữa khi thiên hạ chộn rộn làm thủ tục xuất cảnh. Nay không biết cuộc sống anh có khá hơn sau thời kỳ đổi mới không.
Cũng có vài ba trường hợp “học viên” được cho “về phép” khi có người thân (cha mẹ, vợ, hay con) chết, nếu có người bào lãnh. Tôi nghe nói Dân biểu Võ Long Triều cũng được ký giả VC nằm vùng Cung Văn bảo lãnh về phép một lần. Cung Văn là thư ký tòa soạn tờ Đại Dân Tộc của Võ Long Triều, cùng với tờ Điện Tín của Nghị sĩ Hồng Sơn Đông, mà thư ký tòa soạn cũng là ký giả VC nằm vùng, Huỳnh Bá Thành, và tờ Tin Sáng của nhóm Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung hợp lực “đâm sau lưng chiến sĩ” đánh phá chế độ một cách điên cuồng. Cung Văn tên thật là Nguyễn Vạn Hồng, trình diện nhập ngũ cùng khóa với tôi. Tôi quen biết anh ta do hai người chụp hình căn cước quân nhân chung một “pô”. Ng. Vạn Hồng được Việt Tấn Xã can thiệp cho trở về nhiệm sở. Sau khi biệt phái về làm việc tại Sài Gòn, tôi gặp NVH một hai lần, nhưng tôi không hề biết anh ta là Cung Văn.
Tại Long Thành một lần có phái đoàn Võ Văn Kiệt và Phạm Hùng vào quan sát trại, đi tới từng dãy nhà. Tôi ngỡ ngàng thấy có NVH mang xà cạp đội nón cối, mặc thường phục đi trong đoàn. Tôi tránh không để anh ta trông thấy tôi. Tôi nói với một người bạn về NVH, không ngờ anh bạn này biết rành rõ, nói với tôi: “Cung Văn đấy. Hắn làm cho tờ Đại Dân Tộc của Võ Long Triều đấy. Hắn từng lãnh VLT về thăm nhà”. Cách đây mấy năm, trong một bữa cơm thân mật tại nhà hàng Cao Nguyên ở San Jose (do nhà thơ Phạm Ngọc mời, có con trai nữ nghệ sĩ Hồ Điệp tham dự), Chủ bút một tạp chí văn học kiêm TTK một tuần báo ở California nói với tôi: NVH, sau 30 tháng Tư 75 đóng vai đạp xích lô. Anh ta gợi chuyện với khách, chửi bới, nguyền rủa VC hết lời. Người khách nào phụ họa chửi theo liền được anh phu xích lô chở thẳng đến trụ sở công an. Huỳnh Bá Thành sau 75 nắm tờ Công An, chết năm 1992 vì “tai biến mạch máu não” và Cung Văn viết cho tờ Sài Gòn Giải Phóng. Mấy năm trước đây có sang Mỹ để được nhìn ngó cái vĩ đại của xứ sở “đế quốc” mà anh từng nguyền rủa.
Trên ba ngàn sĩ quan viên chức cao cấp của VNCH tập trung tại Long Thành từ ngày 16 tháng 6-1975, sau gần một năm được phân tán đi các trại tù, phần đông ra Bắc. Một số không ít bỏ xác nơi núi rừng quạnh hiu, hẻo lánh. Số người sống sót trở về, đại đa số đã đi định cư ở các nước thế giới tự do.
Sau 34 năm chết đi sống lại, ngày nay có những chiến hữu, có những bạn tù từng chia sẻ đắng cay, tủi nhục, đã vội quên những năm tháng đọa đày nhục nhã ấy mà quay lưng lại với nhau, chỉ vì những tị hiềm, ganh ghét, nông nổi, nhỏ mọn…
Hẳn tất cả những ai từng qua trại Long Thành không quên lời mạ lỵ của một “giảng viên” cộng sản: “Các anh là thứ dòi bọ, là những con lợn chụm đầu vào máng tranh ăn, khi ngẩng lên thì lưỡi dao đã kề vào cổ”. Tôi tin rằng đây là lời cảnh báo đối với các đảng viên và lãnh đạo đảng CSVN ngày nay, hơn là lời nguyền rủa nhắm vào các giới chức VNCH thời bấy giờ.
Song Nhị
(Trích Hành Trình Biệt Xứ)